Tánh Linh: Nâng chất lượng, sức cạnh tranh cho nông lâm thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 05:06, 19/06/2024
Trong nửa đầu năm 2024, diện tích cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái trên địa bàn Tánh Linh tiếp tục duy trì với 30.150 ha, bao gồm: Cao su hơn 21.860 ha, cây điều khoảng 5.770 ha, cây xoài 460 ha, sầu riêng gần 300 ha… còn lại là diện tích các cây ăn trái khác. Tương tự, hoạt động chăn nuôi tại huyện miền núi cũng phát triển ổn định, trong đó đàn trâu, bò khoảng 10.000 con, đàn dê, cừu 5.800 con, đàn heo 17.000 con, riêng tổng đàn gia cầm có 650.000 con.
Đặc biệt với thế mạnh về lúa gạo, các dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tại địa phương hiện vẫn đang triển khai theo tiến độ. Có thể kể đến dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (lúa gạo) của Công ty TNHH SX - TM Đại Nhật Phát liên kết HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia An sản xuất 50 ha và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Phú sản xuất 50 ha với sản lượng 700 tấn. Hay như dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (gạo nếp) của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình với diện tích 60 ha, có sản lượng ước tính đạt 450 tấn… Ngoài ra, các địa bàn cơ sở còn tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm thực hiện liên kết với công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất hàng ngàn ha lúa chất lượng cao.
Mới đây vào trung tuần tháng 6/2024, UBND huyện Tánh Linh đã ban hành Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn huyện. Theo đó trong năm nay, địa phương phối hợp rà soát nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt trên 99%. Đối với diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản và số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GAHP hoặc tương đương tăng 10% so năm 2023. Đồng thời đặt ra chỉ tiêu số lượng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 10%, trong khi số lượng sản phẩm OCOP lũy kế được công nhận 3 sao trở lên đạt từ 15 sản phẩm trở lên…
Để triển khai đem lại hiệu quả, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm thì địa phương cũng quan tâm tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Cụ thể là phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai sử dụng nhãn hiệu “Hạt điều Tánh Linh”, “Cá thát lát Tánh Linh”, “Gạo Tánh Linh” và thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học…
Cùng với đó còn tính đến hỗ trợ, xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng và phối hợp tổ chức hoạt động kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá… Được biết vừa qua, địa phương đã kiện toàn và tổ chức Hội đồng OCOP huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 - năm 2024 đối với 6 sản phẩm, gồm 4 sản phẩm 3 sao (yến tinh chế, sầu riêng) và 2 sản phẩm 4 sao (gạo, gạo lứt). Như vậy tính đến nay, trên toàn địa bàn Tánh Linh có 7 sản phẩm được đánh giá OCOP hạng 3 sao cấp huyện và 2 sản phẩm đề xuất đánh giá 4 sao cấp tỉnh.
Liên quan vấn đề này, tới đây địa phương tiếp tục tăng cường phát triển thương mại điện tử, qua đó hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh tìm kiếm, mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho người tiêu dùng tham gia mua sắm bằng hình thức trực tuyến. Mặt khác còn khuyến khích phát triển sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, kết nối đưa nông sản Tánh Linh vào chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…
Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tập trung giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị và các sản phẩm sử dụng nhãn hiệu Tánh Linh (cá thát lát, gạo, hạt điều) hoặc sản phẩm được công nhận OCOP. Thông qua đó kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, gian lận thương mại…