Đoàn công tác xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận hội đàm với chính quyền Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào
Xã hội - Ngày đăng : 11:58, 20/06/2024
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận, có ông Phouvong VongKhamSao - Phó đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn cùng đại diện các sở, ban, ngành và doanh nghiệp của Lào.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã giới thiệu đến lãnh đạo Thủ đô Viêng Chăn những thông tin tổng quan về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, các sản phẩm phẩm nông nghiệp xuất khẩu thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Theo đó, Bình Thuận có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để phát triển ngành kinh tế, như: Nông – lâm – thủy sản; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, vật liệu xây dựng,… và du lịch tham quan, nghỉ dưỡng,… Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 8,1% (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 04/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng cho biết, mặc dù, Bình Thuận có nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, như: trái thanh long tươi, sản phẩm thanh long, nước mắm, thủy hải sản tươi – khô, các sản phẩm vật liệu xây dựng, công nghiệp và nhiều sản phẩm có chất lượng nhưng hiện nay, tỉnh Bình Thuận chưa có doanh nghiệp đầu tư hoặc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Lào.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Lào – Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt; núi liền núi, sông liền sông; có nền văn hóa tương đồng; hai nước có mối quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa gắn kết và bền chặt. Lào là thị trường có nhiều tiềm năng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; với lợi thế về mặt hàng nông lâm thủy sản, hy vọng rằng trong thời gian tới Bình Thuận và Viêng Chăn sẽ có nhiều hơn nữa hoạt động đầu tư và xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận cũng đã trao đổi, làm rõ thêm về chế độ, chính sách, quy định của pháp luật, cũng như các ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất khẩu qua thị trường Lào. Hai bên đã chia sẻ những thông tin, gợi mở những giải pháp phù hợp để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Bình Thuận và Thủ đô Viêng Chăn nói riêng và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào nói chung.
Thông qua buổi làm việc lần này, các thành viên Đoàn công tác xúc tiến thương mại của Bình Thuận đã nắm rõ nhu cầu thị trường, yêu cầu về chất lượng, thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ dẫn vị trí địa lý, quy định vùng trồng, điều kiện giao nhận hàng của các đối tác khi xuất khẩu các sản phẩm. Trong thời gian tới, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh về những sản phẩm xuất khẩu của Bình Thuận, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh kết nối đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Lào.
Nhân dịp dịp này, với mong muốn Chính quyền 2 tỉnh: Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Bình Thuận ngày càng hợp tác sâu rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có lời mời gửi đến lãnh đạo chính quyền Thủ đô Viêng Chăn sang thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, tặng món quà lưu niệm; đó là bức tranh làm bằng cát tại vùng biển đầy nắng và gió của tỉnh Bình Thuận, hình tháp nước là hình ảnh gắn liền với vùng đất của tỉnh Bình Thuận, công trình này được khởi công xây dựng vào cuối năm 1928 hoàn thành vào đầu năm 1934 ngay bên tả ngạn sông Cà Ty do Hoàng thân Souphanouvong người Lào thiết kế, mặt sau là hình ảnh trái thanh long, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận; đồng thời, nhân dịp này xin gửi đến các đại biểu một ít đặc sản nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận.