Thiện Nghiệp: Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 25/02/2020

BT- Mới qua những tháng ngày lo sợ vì dịch tả heo châu Phi, thì dịch cúm gia cầm lại xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong nước. Dù cách xa nơi xảy ra dịch bệnh, nhưng chẳng thể chủ quan, bởi chỉ cần một con mắc bệnh là lây nhanh ra cả đàn, cả thôn và rộng ra nữa. Vì thế, những hộ chăn nuôi xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) đang ở thế chủ động phòng chống dịch.   

Chưa dám tái đàn ồ ạt

Nằm ở vùng ngoại ô TP. Phan Thiết, có lợi thế đất rộng nên từ xưa nhiều hộ dân xã Thiện Nghiệp chọn nghề chăn nuôi làm nghề chính. Họ đã xây dựng được thương hiệu heo giống, rồi đến gà đồi, bồ câu Pháp, thỏ... Đáng mừng là từ nuôi theo phương thức thủ công, đa số các hộ chăn nuôi lớn đều ý thức phòng chống dịch bệnh, xây dựng các hầm biogas bảo vệ môi trường. Vậy mà tháng 9/2019 chỉ một chút lơ là, 1 hộ lấy thức ăn thừa ở cơ sở dịch vụ của gia đình về nấu cho heo ăn mà đàn heo phát sinh dịch bệnh, rồi lây ra toàn vùng. Toàn thôn Thiện Sơn đã phải tiêu hủy 129 con.

“Ngay sát vách thôn Thiện Sơn, nên các hộ chăn nuôi ở thôn Thiện Trung thực sự ngồi trên đống lửa. Một mặt thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành chức năng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chất thải chăn nuôi cũng phải rắc vôi, diệt ruồi, muỗi, không cho người lạ vào chuồng nuôi. Mặt khác không tiêu thụ thịt heo ở các nơi hay giấu bệnh, bán heo bệnh ra bên ngoài. Và may mắn không có thêm con heo nào trong xã phải tiêu hủy”, bà Trần Thị Hoàng nhớ lại.

Nhưng đó là chuyện của 5 tháng trước, bây giờ tình hình đã ổn. Không còn dịch tả heo. Giá heo con (1 tháng 10 ngày) đang ở mức khá cao 1,6 – 1,7 triệu đồng/con, heo thịt 70.000 đồng/kg. Dẫu vậy bà con rất thận trọng, chưa dám tái đàn ồ ạt mà chỉ ở quy mô hộ gia đình. Số ít ở khu vực thuận tiện nước thì chuyển sang làm vườn, trồng dừa, chăn nuôi gà, bò. Toàn xã hiện còn 4.200 con heo, giảm gần 2.000 con so với đợt trước dịch. 

Không lơ là với dịch cúm gia cầm

Từ ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi thuộc các xã Tân Khang, Tân Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vào đầu năm 2020, mặc dù cách xa hàng ngàn cây số nhưng lần này các hộ chăn nuôi ở Thiện Nghiệp rất cảnh giác.

Ông Trần Minh Quân – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Cũng như heo, gà là con nuôi lợi thế trên địa bàn xã. Tất cả gà con được mua bán trao đổi trong phạm vi xã nên đảm bảo nguồn gốc, giống khỏe mạnh. Gà Thiện Nghiệp có tiếng thơm ngon, thịt dai, bởi thế giá bán luôn ổn định từ 110.000 – 120.000 đồng/kg. Toàn xã hiện có hơn 12.000 con gà, tăng 4.000 con so cùng kỳ năm ngoái. Số lượng bồ câu chỉ còn 500 cặp. Vịt, ngan rất ít. Thông thường đầu năm là thời điểm giao mùa rất thuận lợi để bệnh cúm gia cầm tái phát và phát triển, do vậy chính quyền địa phương vàhộinông dân đã tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh hướng dẫn người dân cách phòng chống; kịp thời thông báo tình hình bệnh dịch trên cả nước, phát thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi không được lơ là, chủ quan trong khâu vệ sinh, chăm sóc, không giấu dịch.

Anh Nguyễn Thanh Hải – hộ nuôi gà lâu năm tại thôn Thiện Trung cho biết: “Gia đình có khoảng 800 con gà thịt và gà mái, chưa kể gà con. Vì thế khi nghe dịch trên gia cầm lại bùng phát ở nước ta, tôi chú trọng hơn việc vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng và rắc vôi khu vực xung quanh. Đảm bảo nguồn dinh dưỡng, thuốc đầy đủ để vật nuôi có sức khỏe và sức đề kháng tốt. Nước uống và thức ăn đều phải thay thường xuyên”.

Hy vọng với sự chủ động của chính quyền địa phương và người dân trong phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đàn vật nuôi ở xã Thiện Nghiệp sẽ tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

    
    Đến cuối ngày 16/2, cả   nước ghi nhận 16 ổ dịch cúm gia cầm (gồm 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch   do H5N1) chưa qua 21 ngày tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và   Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy trên 55.000 con.

Thùy Linh