Tuy Phong: Giữ ổn định diện tích, nâng giá trị sản phẩm thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 05:06, 25/06/2024
Thanh long đỏ trên đất cát – chất lượng vượt trội
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong, diện tích trồng thanh long đang có xu hướng giảm nhẹ, hiện tại huyện có hơn 577 ha. Diện tích này chủ yếu tập trung tại các xã Chí Công, Phong Phú (150 ha), Liên Hương (xâm canh Phú Lạc 150 ha), Hòa Minh 37 ha và các xã khác như Phú Lạc, Phước Thể. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển thanh long theo quy trình VietGAP với hơn 117 ha, thể hiện sự chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thanh long trồng ở xã Phong Phú.
Nhờ khí hậu và đất đai thuận lợi, thanh long ở Tuy Phong thường cho trái to, ngọt và có màu sắc đẹp. Thanh long trồng trên đất cát ở Chí Công và Phong Phú được đánh giá cao về chất lượng với vị chua ngọt đặc trưng. Thanh long đỏ trồng trên đất cát mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian gần đây giá bán thanh long ruột đỏ có lúc vượt quá 30.000 đồng/kg, trong khi thanh long ruột trắng dao động từ 22.000 - 26.000 đồng/kg. Nhờ đó, nông dân có nguồn thu nhập khá ổn định.
Dù phát triển tích cực, huyện Tuy Phong vẫn gặp thách thức như thiếu doanh nghiệp thu mua, đóng gói trực tiếp, khiến nông dân phụ thuộc vào các đại lý ở huyện lân cận như Bắc Bình. Để khắc phục, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu mua và chế biến, xây dựng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để tối ưu hóa giá trị sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu mua và chế biến. Để duy trì diện tích hiện có và mở rộng theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… huyện Tuy Phong cần tăng cường chính sách hỗ trợ nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cũng như giữ diện tích trồng thanh long đỏ trên đất cát ở Chí Công, Phong Phú.
Nỗ lực phát triển bền vững cây thanh long
Tuy Phong đang tập trung vào phát triển bền vững ngành thanh long, cây trồng quan trọng của khu vực nông thôn này. Mục tiêu đến năm 2030 là duy trì diện tích thanh long khoảng 500 ha, đạt năng suất 22 tấn/ha và tổng sản lượng 8.800 tấn/năm. Huyện đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất cao như VietGAP, GlobalGAP và nông nghiệp hữu cơ, với tỷ lệ diện tích áp dụng các tiêu chuẩn này đạt 70-75% cho VietGAP, 10% cho GlobalGAP và 5% cho nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, huyện cũng đặt mục tiêu tưới tiết kiệm nước đạt 85%.
Để đạt được mục tiêu này, Tuy Phong xác định chuyển từ sản xuất lấy số lượng sang chế biến và dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao. Huyện sẽ tập trung khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp và hợp tác xã vào thanh long, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị và hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ hiện đại. Điều này giúp tăng giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Tuy Phong. Huyện cũng sẽ cải tiến tổ chức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và giảm thiểu các khâu trung gian, hướng tới việc hình thành các chuỗi giá trị liên kết và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thu mua, chế biến và tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo minh bạch thông tin cũng như an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đúng nguồn gốc, tránh mạo danh và nâng cao uy tín cũng như cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất thanh long chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và kết hợp với công nghiệp, dịch vụ như du lịch, bảo vệ môi trường, đào tạo công nghệ và kinh doanh nông sản... Với chiến lược và kế hoạch cụ thể, Tuy Phong không chỉ mong muốn phát triển cây thanh long mà còn hướng tới một ngành nông nghiệp bền vững, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho địa phương và cả nông dân.