Công chứng điện tử góp phần chuyển đổi số nhưng phải thận trọng
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 26/06/2024
Cần thêm loại hình Văn phòng công chứng chỉ một công chứng viên
Dự thảo luật kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, quy định này còn băn khoăn. Trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên (CCV) làm chủ là rất phù hợp. Một mặt vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo sớm được tiếp cận dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện như hiện nay. Mặt khác đối với những nơi này, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai CCV là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực CCV và nguồn thu để đảm bảo duy trì hoạt động của Tổ chức hành nghề công chứng với 2 CCV là rất khó. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định về loại hình tổ chức hành nghề công chứng, bên cạnh loại hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, nên chăng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập thêm loại hình văn phòng công chứng chỉ một CCV (loại hình doanh nghiệp tư nhân).
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, Điểm e khoản 1 Điều 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành nghiêm cấm CCV “Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về CCV và tổ chức mình”. Các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định; nội dung nghiêm cấm như dự thảo Luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của CCV và tổ chức hành nghề công chứng cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các CCV, tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động. Do đó đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định trong hoạt động công chứng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của CCV, tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cần thận trọng với công chứng điện tử
Việc bổ sung quy định về công chứng điện tử (mục 3 Chương V) trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế. Bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Tuy nhiên, trong hoạt động công chứng có nhiều vấn đề đòi hỏi CCV phải trực tiếp tiếp xúc với người yêu cầu công chứng mới đảm bảo tính khách quan, chính xác (công nghệ chưa thể làm thay được), ví dụ như để đánh giá được năng lực hành vi và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao dùng công nghệ AI giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo. Việc đối soát giấy tờ, đánh giá tính hợp pháp của nội dung giao dịch là công việc chính, quan trọng của CCV theo mô hình công chứng nội dung, đòi hỏi năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của CCV, không chỉ là tra cứu văn bản pháp luật, đối chiếu với nội dung giao dịch mà còn đòi hỏi tư duy logic, phân tích, đưa ra quyết định, bao gồm cả việc giải thích, tư vấn cho người yêu cầu công chứng. Đây cũng là công việc phức tạp nhất, gắn với trách nhiệm trực tiếp của CCV… Do đó, việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý, trước mắt dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch phức tạp như bất động sản, thừa kế...
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, khoản 1 Điều 21, khoản 1 Điều 22 của dự thảo Luật quy định: CCV muốn thành lập Văn phòng công chứng nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng về Sở Tư pháp nơi dự kiến thành lập Văn phòng công chứng. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực thi hành, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định. Để thực hiện hoạt động công chứng, CCV phải thực hiện 2 thủ tục hành chính là đề nghị thành lập Văn phòng công chứng và phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi đã ra quyết định thành lập. Mặc dù quy định này kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành, tuy nhiên việc quy định thực hiện 2 thủ tục hành chính như vậy không thực sự cần thiết. Bởi vì, việc cấp phép đã là biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với Văn phòng công chứng là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Còn việc đăng ký hoạt động cần chỉnh lý lại theo hướng chỉ là thông báo về việc hoạt động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã đáp ứng các điều kiện hoạt động. Văn phòng công chứng được phép hoạt động kể từ ngày thông báo, trừ trường hợp không đáp ứng điều kiện pháp luật quy định thì cơ quan nhà nước sẽ có văn bản đình chỉ việc hoạt động. Cách quy định này tương tự như Điều 84 của Luật Chứng khoán năm 2019, Điều 34 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 theo hướng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Do đó, cơ quan thẩm tra nên biên tập lại khoản 1 Điều 21, khoản 1 Điều 22 của dự thảo...