Du khách và mùa câu cá đục
Du lịch - Ngày đăng : 05:45, 27/06/2024
Mùa câu
Lúc này đang là tháng 6. Ở khu vực ven biển huyện Hàm Thuận Nam, tính từ Mũi điện Kê Gà dài ra xã Thuận Quý, trời rất xanh và cao vào mỗi sáng (trừ những ngày mưa sa). Mặt biển xanh màu ngọc bích và sóng nhẹ, thích hợp cho mùa câu cá đục, loại cá nhỏ sống ven bờ, xuất hiện dày tại những đoạn bờ biển có nhiều rạn, đá ngầm. Cũng vào dịp này, người đi câu ở Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình… hẹn nhau đổ về đoạn Đá Nhảy vì kinh nghiệm cho thấy: Cá đục xuất hiện rất dày ở đây. Thời điểm này, cha mẹ đưa con em đi nghỉ dưỡng sau 1 năm học vất vả, vì vậy du khách có dịp chứng kiến cảnh câu cá, nhất là 2 ngày cuối tuần.
Chị Hoa có phần phấn khích, nói với anh thanh niên ngoài 30 tuổi, người vừa đưa những con cá đục lên khỏi mặt nước biển vài phút trước đó: “Em ơi, giá mà chị câu được như em thì tuyệt vời…”. Cùng với chị Hoa có khoảng 10 người khác đều là du khách cũng đang xem những người đi câu khác, tập trung tại khu vực nhiều đá có tên gọi Đá Nhảy. Một buổi sáng mai trên bãi biển đầy người đi câu và người xem câu cá!
Nghề câu và đam mê
Niềm đam mê của những người đi câu được khích lệ bởi du khách khi họ tò mò đi xem, cũng như trải nghiệm thêm những thú vui vùng biển. Thứ bảy, chủ nhật trong tháng 6, trở thành nếp, khi mà người đi câu và du khách gặp, cổ vũ nhau. Lê Văn Hương, chàng thanh niên trò chuyện với chị Hoa trước đó, ngụ tại phường Phước Hội, thị xã La Gi, sống với nghề câu biển trên 10 năm tiếp tục câu chuyện: “Cá đục không kén mồi chị à. Nó ưa nhất là trùng biển, nhưng hôm nay em câu bằng mồi tôm cắt khúc nhỏ”. Miệng nói, tay Hương quay đều máy thu dây, rồi giải thích: “Cái này là “rê” câu nghe chị”. Người phụ nữ tuổi 40 dáng vẻ trẻ trung bị những động tác rê câu của Hương làm quên mất mình đang mặc chiếc váy sang trọng, đã quỳ một chân xuống mặt cát, chăm chăm nhìn những đoạn dây câu đang được thu vào một chiếc hộp hình tròn nhỏ, nằm bên dưới chiếc cần câu được làm bằng nguyên liệu cac-bon rất bền và nhẹ. Hương chậm rãi: “Trên dây câu, bên dưới cục chì, có nhiều lưỡi, mỗi lưỡi cách nhau 20cm. Khi mình rê câu, cá lao theo ăn mồi, vì vậy không “được” con này thì “được” con khác!”. Chị Hoa vặn: “Nhưng sao phải nhiều lưỡi, không nặng lắm chứ?”. “Là để phát huy hiệu quả mỗi lần quăng câu chị. Cá đục đi theo đàn. Mỗi đàn vài chục con. Khi xuất hiện cá rồi thì ít khi phải về tay không”.
Có mặt và cũng “say” cảnh câu như nhiều du khách, chúng tôi ở lại với những người đi câu trong nhiều giờ. Những người đi câu thường mang theo nhiều thứ trong một lần đi. Đó là mấy lít nước ngọt (uống và lau mặt), khăn lông, thức ăn trưa, thùng xốp chứa đá; có người còn mang theo thuốc chống say nắng. Văn Bình, một người thả câu ở bờ đá gần Mũi điện, cho hay: “Bình thường được chừng 5 kg cá một ngày câu. Không phải mang về vừa mệt vừa lo cá ươn. Chốc nữa thôi, anh thấy mấy bả tới mua ngay bây giờ!”. Mấy bả là các chị mua cá chuyển đi xa trên xe máy. Chợ trưa ở Phan Thiết cần một số loại cá ngon từ Hàm Thuận Nam đưa ra, nên các chị hay đến mua cá ở những người đi câu.
Những người đi câu đều khuyến khích du khách trước khi về lại nhà, nên mua một ít cá đục. Cá đục dễ chế biến món ăn như: Xốt cà chua, nấu canh lá giang, lá me, nấu canh cải, canh chua ngọt, kho tộ, kho riềng, chiên…
Tháng sáu - mùa câu cá đục. Những ngày tới đây, rảnh rang bạn ghé về Đá Nhảy tham gia mùa câu, thử một lần!
Những tháng trước đó, cá đục xuất hiện không dày, nhưng từ tháng 6 trở đi kéo dài cho tới chớm thu sẽ là mùa câu chính.