Chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải nhận diện khuôn mặt có “gây khó” cho người dân?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:04, 28/06/2024
Phía ngân hàng thì cho rằng nhận diện khuôn mặt để bảo vệ tài sản cho người dân, ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng. Ngược lại, người dân thì bảo thêm thủ tục hành chính… Để hiểu rõ hơn vấn đề, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Én – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận.
Thưa ông, gần đây rất nhiều người bị lừa chuyển tiền trên không gian mạng, ngành Ngân hàng đã làm gì để giúp dân?
Ông Phan Thanh Én: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ người dân khỏi nạn lừa đảo chuyển tiền trên không gian mạng, trong đó: Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, cảnh báo khách hàng về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận của tội phạm để nhận biết và phòng tránh; hướng dẫn khách hàng về đảm bảo an ninh, an toàn khi giao dịch trên môi trường điện tử. Rà soát quy trình, quy định nội bộ và thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đảm bảo chặt chẽ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử đối với khách hàng sử dụng giấy tờ tùy thân là CCCD gắn chíp; tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử, ngăn ngừa nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu khách hàng; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thu thập, lưu trữ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng; tăng cường truyền thông tới khách hàng về các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
Phối hợp với cơ quan công an để làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ; nâng cấp hệ thống bảo mật; triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng bằng phương pháp xác thực sinh trắc học, như khuôn mặt, vân tay, mống mắt, giọng nói... theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Chủ động phối hợp với cơ quan công an để ngăn chặn những giao dịch khả nghi tại quầy giao dịch, góp phần bảo vệ khách hàng không bị lừa đảo mất tài sản. Cụ thể, trong 3 tháng gần đây, ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Thuận đã ngăn chặn thành công với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng.
Việc thực hiện chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên/lần đến 20 triệu đồng/ngày phải nhận diện khuôn mặt (sinh trắc học) đang “gây khó” cho người dân, ông có thể nói rõ vấn đề này?
Ông Phan Thanh Én: Chúng ta thấy, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển với tốc độ vượt bậc trong những năm qua, đem lại tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, phát triển nhanh và nhiều tiện ích, cũng đi kèm với việc đánh đổi với bảo mật, an toàn. Việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến theo Quyết định 2345 là nội dung mới, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có thể giải quyết căn cơ vấn nạn lừa đảo, như khi giao dịch thì phải so khớp, phải xác thực khuôn mặt, nếu như không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc thì tội phạm không thể lấy được tiền; mặt khác, khi thực hiện giao dịch thông thường trên 10 triệu đồng, người cho thuê, đi thuê tài khoản sẽ không sử dụng được tài khoản đi thuê khi phải xác thực khuôn mặt.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có đến 70% giao dịch chuyển tiền ngân hàng là dưới 10 triệu đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cân nhắc rất kỹ để cân đối giữa xác thực mạnh chống gian lận lừa đảo, nhưng cũng đảm bảo giao dịch xuyên suốt. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi khách hàng, chứ không gây khó cho người dùng. Khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản, với tình hình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng, việc này chỉ cần khoảng thời gian 3 - 5 giây. Với không ít người dùng thường xuyên quên mật khẩu của mình, thì việc xác thực sinh trắc học trong chuyển tiền, thanh toán lại có nhiều ưu điểm và an toàn hơn.
Liệu từ ngày 1/7 việc người dân làm sinh trắc học có bị quá tải với ngành Ngân hàng?
Ông Phan Thanh Én: Quyết định 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng được ban hành ngày 18/12/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nên các ngân hàng đã có thời gian hơn 6 tháng để chuẩn bị các giải pháp công nghệ, đầu tư mua sắm thiết bị, đào tạo nhân viên… trong việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Quy định xác thực sinh trắc học có thể gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng trước áp lực từ ngày 1/7/2024, tuy nhiên, vì lợi ích chung và để bảo vệ an toàn tài sản của người dân, việc này Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm, quyết liệt thực hiện.
Để sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng Quyết định 2345 kể từ ngày 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai một số nhiệm vụ: Tổ chức truyền thông, hướng dẫn thực hiện đến toàn bộ khách hàng về việc triển khai các biện pháp xác thực giao dịch tương ứng với hạn mức giao dịch theo quy định tại Quyết định 2345. Chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học. Chủ động phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và các tổ chức khác có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học từ ngày 1/7/2024. Triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin.
Để phòng tránh ách tắc giao dịch và hỗ trợ khách hàng kịp thời, khuyến khích các đơn vị đã hoàn thành triển khai, sớm thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Xin cảm ơn ông!