Quản lý tàu cá có nguy cơ vi phạm nước ngoài như thế nào?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 01/07/2024
Rà soát, sàng lọc nhóm tàu có nguy cơ
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Bình Thuận trong 2 tuần phải lập danh sách những tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và có phương án quản lý chặt đội tàu này. Nếu sau đó, 1 trong những tàu nằm trong danh sách này vi phạm vùng biển nước ngoài, thì lãnh đạo UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Thực hiện ý kiến trên cũng như quyết tâm không để phát sinh thêm trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh Bình Thuận đã rà soát, lên danh sách và có giải pháp cụ thể quản lý nhóm tàu này.
Toàn tỉnh có trên 8.450 tàu cá chiều dài từ 6 mét trở lên, với trên 48.000 lao động trực tiếp khai thác thủy sản. Trong đó, có khoảng 1.400 tàu cá thường xuyên hoạt động tại các vùng biển xa (khu vực Trường Sa, ĐK1, vùng biển giáp ranh các nước). Ngoài ra, còn có một số tàu cá (bao gồm cả tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m không thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị VMS) hoạt động các nghề câu, lặn... tại các gò, rạn xa bờ, tiếp giáp các nước, thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh, ít khi về địa phương, tiềm ẩn nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Nhận thức rõ trách nhiệm về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức quán triệt triển khai nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ̣Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, đặc biệt là thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, năm 2023 vẫn để xảy ra 1 vụ/1 tàu/7 lao động vi phạm bị Malaysia bắt giữ, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả nước trong việc tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU. UBND tỉnh đã xử phạt chủ tàu cá 900 triệu đồng, đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương để xảy ra vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Rút kinh nghiệm từ những vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, sàng lọc, phân loại thành 6 nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài: Tàu cá thuộc nhóm nghề nguy cơ cao (câu, lặn, dịch vụ hậu cần…) tại địa bàn có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hoạt động vùng khơi thường xuyên mất kết nối VMS trên vùng giáp ranh hoặc tàu cá mất kết nối VMS dưới 6 giờ lặp đi, lặp lại nhiều lần trên vùng giáp ranh mà không báo cáo, không rõ nguyên nhân; tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện hoặc tàu cá có ngư dân đi trên tàu (đặc biệt là thuyền trưởng) đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ trả về; tàu cá thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh không hoặc ít về địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang; tàu cá đăng ký tại Bình Thuận thuộc nhóm nghề nguy cơ cao đã bán ra ngoài tỉnh nhưng chưa làm thủ tục theo quy định hoặc cho người ngoài tỉnh thuê hoạt động tại các tỉnh, không về Bình Thuận; các trường hợp khác theo đặc thù của từng địa phương.
86 tàu thuộc diện theo dõi, giám sát đặc biệt
Trên cơ sở đó, tỉnh đã xác định 173 tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài (nhiều nhất là Phú Quý 85 chiếc, thị xã La Gi 48 chiếc, Phan Thiết 18 chiếc, Tuy Phong 13 chiếc…). Trong đó, tỉnh xác định tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài thuộc diện theo dõi, giám sát đặc biệt là 86 tàu (Tuy Phong 12 chiếc; Phan Thiết 13 chiếc; Hàm Thuận Nam 2 chiếc; thị xã La Gi 22 chiếc; Hàm Tân 1 chiếc; Phú Quý 36 chiếc).
Để giám sát, quản lý chặt chẽ đội tàu này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh yêu cầu phải phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo ở cơ sở tích cực tham gia tuyên truyền, nắm tình hình, giám sát đối tượng nguy cơ cao (gồm tàu cá, thuyền trưởng, lao động trên tàu cá). Vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng phân công cán bộ, chiến sĩ, đảng viên tại cơ sở phụ trách, theo dõi, thường xuyên liên hệ, nắm thông tin tình hình hoạt động của tàu cá, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các đối tượng có dấu hiệu vi phạm.
Đặc biệt, phải đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện hành nghề (đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, thiết bị VMS...) mới cho xuất bến, rời cảng đi khai thác. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu để tàu cá không đủ điều kiện hành nghề làm thủ xuất bến, rời cảng đi hoạt động trên biển. Ngoài ra, phải theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá; kịp thời cảnh báo, xử lý khi phát hiện tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển. Phối hợp với các tỉnh, lực lượng chấp pháp trên biển kiểm tra, kiểm soát, xử lý tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, tàu cá mất kết nối tại các vùng biển giáp ranh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp trên biển, lực lượng chức năng các tỉnh kiểm tra, kiểm soát tàu cá của tỉnh hoạt động ngoài tỉnh, nhất là các tàu cá chiều dài dưới 15m không thuộc đối tượng lắp đặt VMS để theo dõi chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Nếu để tàu cá vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài thì người đứng đầu của cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.