Chống thất thu thuế kinh doanh vận tải

Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 05/03/2020

BT- Số hộ kinh doanh vận tải được quản lý thuế trên toàn tỉnh đã tăng cả về số lượng, phương tiện và số thuế lập bộ thu, qua đó góp phần chống thất thu thuế trên lĩnh vực này... 

Kết quả bước đầu

Hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý, kê khai nộp thuế còn nhiều khó khăn, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh có Quyết định số 2056 ban hành Đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Đề án 2056). Từ tháng 7/2017, đề án có hiệu lực thi hành đến nay đã tạo được sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý thu thuế đối với cơ sở kinh doanh vận tải bằng ô tô. Ý thức chấp hành pháp luật về thuế của các cơ sở kinh doanh cũng được nâng lên, bước đầu đã đạt được mục tiêu về quản lý người nộp thuế, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải và số thuế lập bộ đối với hoạt động KDVT.

Phòng Nghiệp vụ - Dự toán – Pháp chế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: “Kết quả bước đầu sau hơn 2 năm thực hiện đề án qua so sánh cho thấy tổng số cơ sở, hộ KDVT toàn tỉnh cuối năm 2019 tăng 503 cơ sở, hộ kinh doanh; số đầu xe tăng 1.854 đầu xe; số xe kê khai nộp thuế tăng 1.401 xe; thuế lập bộ bình quân tháng tăng 30,86% và tăng 569 triệu đồng/tháng”. So với thời điểm trước khi thực hiện đề án, số cơ sở, hộ kinh doanh và đầu xe tăng lên đáng kể. Hiện toàn tỉnh có 1.855 hộ KDVT với trên 4.641 đầu xe, phần lớn là xe thuộc sở hữu của doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) 1.742 xe, xe của cá nhân KDVT 1.588 xe và xe của thành viên HTX 1.082 xe. Để quản lý thuế, các phòng chức năng Cục Thuế và các chi cục thuế kiểm tra, rà soát việc khai thuế theo hàng tháng hoặc quý. Nếu có mức doanh thu kê khai trung bình hàng tháng tính theo đầu phương tiện thấp hơn mức doanh thu tối thiểu quy định thì xếp vào diện rủi ro cao về thuế từ đó áp dụng các biện pháp để xác định doanh thu theo đúng thực tế phát sinh. Còn đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, các chi cục thuế đã tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, kiểm tra, rà soát công tác quản lý thu thuế vận tải trên địa bàn để tiếp tục điều chỉnh, lập bộ bổ sung đối với đối tượng còn sót để quản lý thu thuế theo đúng quy định. Cục Thuế tỉnh kịp thời rà soát, đối chiếu danh sách các tổ chức, cá nhân và số lượng xe KDVT đã được cấp giấy phép KDVT đang còn giá trị sử dụng do Sở Giao thông Vận tải cung cấp.  

Phối hợp chống thất thu

KDVT là lĩnh vực đặc thù, rất khó kiểm soát nên dễ dẫn đến tình trạng kê khai doanh thu hoạt động KDVT trong năm thấp dưới ngưỡng chịu thuế vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, các chủ phương tiện thường đi làm ăn xa, thời gian không cố định, nhận thức về pháp luật thuế còn hạn chế, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách đối với hoạt động KDVT không chấp hành kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế, chạy sang địa bàn khác hoạt động. Tính đến nay, số xe đã kê khai nộp thuế là 3.254/4.641 xe với số thuế thu trên 28,9 tỷ đồng, như vậy vẫn còn 1.387 xe chưa kê khai nộp thuế. Do vậy, thời gian đến Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát xe KDVT trên địa bàn quản lý thuế; cung cấp danh sách biến động đầu xe về các địa phương quản lý đối chiếu. Có thể thấy rằng, nếu thu thuế phương tiện KDVT chỉ dựa vào sự tự giác của người nộp thuế thì chế tài chưa đủ mạnh, bởi cán bộ thuế không có chức năng dừng xe để kiểm tra, thu thuế. Cần sự phối hợp hiệu quả hơn với các cơ quan chức năng, đặc biệt đối với các chủ phương tiện trốn thuế, Cục Thuế tỉnh gửi danh sách về Sở Giao thông Vận tải tỉnh và Công an tỉnh để phối hợp kiểm tra, xử lý.

T.Duyên