Từng bước tháo gỡ khó khăn để phát triển công nghiệp ở Đức Linh
Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 01/07/2024
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Linh đã có 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 278 ha. Bằng nhiều giải pháp kết hợp với tuyên truyền, quảng bá lợi thế vị trí địa lý nên huyện đã thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến thời điểm này, 6/6 cụm công nghiệp đã có dự án thứ cấp vào đầu tư, thu hút được 48 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với các ngành nghề: Chế biến gỗ, gỗ công nghiệp, các sản phẩm từ nhựa, may mặc, giày da, dép da, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng... đạt tỷ lệ lấp đầy 65%. Tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các cụm khoảng 3.600 tỷ đồng. Những năm gần đây, quy mô giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện tiếp tục tăng trưởng đáng kể (năm 2022 đạt 3.909 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng lên 4.234 tỷ đồng).
Bên cạnh kết quả đạt được, huyện đang gặp một số vướng mắc về đầu tư trong cụm công nghiệp. Theo đó, Đức Linh hiện có 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm Công nghiệp Hầm Sỏi - thị trấn Võ Xu (25,3 ha), Cụm Công nghiệp Mê Pu (40 ha) và Cụm Công nghiệp Sùng Nhơn (30 ha) được thành lập cách đây hơn 25 năm. Hiện nay, tại 3 cụm công nghiệp này, hạ tầng (điện, nước, giao thông) đã đi tới hàng rào ngoài cụm công nghiệp nhưng hạ tầng trong cụm chưa được đầu tư đồng bộ về giao thông, điện và xử lý nước thải. UBND huyện Đức Linh cho biết, từ ngày được thành lập đến nay, có 38 cơ sở, dự án đầu tư tại 3 cụm công nghiệp này với diện tích hơn 52ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình là 67%. Thời gian qua, đã có các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ xin đầu tư vào 3 cụm nêu trên nhưng chưa được giải quyết hồ sơ đầu tư vì hạ tầng các cụm công nghiệp trên chưa được đầu tư, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Trước những vướng mắc trên, UBND huyện Đức Linh đã có nhiều kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết như mong muốn. Trong khi đó, trên thực tế việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho các cụm công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì ngân sách địa phương không cân đối được.
Để giải quyết những khó khăn ấy, Đức Linh vừa kiến nghị tỉnh xem xét, giải quyết theo hướng chấp thuận cho các dự án xin đầu tư vào 3 cụm công nghiệp để các doanh nghiệp triển khai. Trong quá trình thực hiện, các dự án phải tuân theo quy định của pháp luật về đầu tư và xử lý môi trường. Ngoài ra, để khai thác tốt tiềm năng lợi thế về công nghiệp và đưa huyện Đức Linh phát triển nhanh, bền vững, huyện cũng kiến nghị tỉnh cho xúc tiến các thủ tục để thành lập khu công nghiệp ở Đức Linh (diện tích dự kiến khu công nghiệp là 300 ha đất của Công ty Cao su Bình Thuận).
Liên quan vấn đề trên, Sở Công thương cho biết, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cụm công nghiệp như: Hầm Sỏi - Võ Xu, Mê Pu và Sùng Nhơn trước đây giao đơn vị sự nghiệp nhà nước (Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp Đức Linh, nay đã giải thể) làm chủ đầu tư hạ tầng, Sở Công thương đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn việc “chuyển giao mô hình quản lý cụm công nghiệp từ đơn vị sự nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp”. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Hiện nay, Bộ Công thương đang dự thảo thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 32 của Chính phủ. Sau khi các quy định pháp luật về cụm công nghiệp được ban hành, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai theo quy định.
Đối với vấn đề thành lập khu công nghiệp (KCN), Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì KCN phía Nam tỉnh thuộc khu vực huyện Đức Linh và Tánh Linh với quy mô khoảng 300 ha. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021 – 2025) thì chỉ tiêu sử dụng đất KCN trên địa bàn tỉnh chỉ đủ quỹ đất để triển khai 9 KCN. Do đó, không còn chỉ tiêu đất KCN để phân bổ cho KCN phía Nam tỉnh thuộc khu vực huyện Đức Linh và Tánh Linh. Thời gian tới, khi được điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu đất KCN trong quy hoạch và đủ điều kiện theo quy định, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ xin ý kiến UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành xác định vị trí, ranh giới và quy mô KCN phía Nam tỉnh làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch KCN phía Nam tỉnh.