Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Xã hội - Ngày đăng : 05:04, 01/07/2024

Bình Thuận với dân số trên 1,2 triệu người, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với hơn 105.000 người, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận cư trú đan xen và rộng khắp toàn tỉnh.
chuyen-doi-so-4-.jpg
Người dân sử dụng nền tảng số khoa học công nghệ để quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Trong đó đồng bào dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro… sống tập trung ở 11 xã thuần và 20 thôn xen ghép; đồng bào Chăm sống tập trung ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép; đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Hoa sống ở 2 xã thuần và 2 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số; từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

chuyen-doi-so-2-.jpg

Hạ tầng số của tỉnh luôn được quan tâm và đầu tư. Đến nay, hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động và cố định đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; không chỉ hỗ trợ trong phát triển sản xuất, kinh doanh mà chương trình chuyển đổi số cũng đang là cầu nối quảng bá sản vật, đặc sản truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận. Mô hình điểm tham quan du lịch Bộ sưu tập di sản Trang phục Hoàng tộc Chăm thuộc xã Phan Thanh – huyện Bắc Bình hiện nay đã được nhiều du khách biết đến. Anh Lư Quốc Thiện, quản lý điểm tham quan chia sẻ, hiện nay chúng tôi đang dần hoàn thiện điểm tham quan Bộ sưu tập di sản Trang phục Hoàng tộc Chăm này. Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận đưa thông tin lên nền tảng số đã giúp du khách biết thông tin và đến tham quan nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế, xã hội vùng dân tộc miền núi gặp không ít khó khăn, sự phát triển còn chậm so với bước phát triển chung của toàn tỉnh. Trở ngại ở vùng cao đối với việc tiếp cận công nghệ số là thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính… Bên cạnh đó, hạ tầng internet vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc… cũng chưa toàn diện. Nhiều gia đình chưa được phủ sóng internet, sử dụng phí 3G, 4G khá đắt nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Tâm lý của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử còn e dè trong thao tác do kỹ năng, thông tin hạn chế...

chuyen-doi-so-7-.jpg
Bộ sưu tập di sản Trang phục Hoàng tộc Chăm thuộc xã Phan Thanh – huyện Bắc Bình (Bình Thuận) được số hóa để giới thiệu cho du khách.

Để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong và ngoài nước, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các cơ quan quản lý ngành dân tộc triển khai kế hoạch nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý, tổ chức triển khai. Đến năm 2025, phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua việc triển khai kế hoạch. Từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng dữ liệu số, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu rộng rãi.

chuyen-doi-so-10-.jpg
Công an hỗ trợ đồng bào Chăm làm căn cước công dân.
chuyen-doi-so-16-1-.jpg
chú trọng đào tạo tin học cho các em học sinh vùng cao nhằm nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc; tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Hướng đến 100% đồng bào dân tộc được kết nối, đối thoại với người làm công tác dân tộc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tỉnh sẽ tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. Bên cạnh đó là huy động các nguồn lực, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế, người dân thực hiện chuyển đổi số.

ĐÌNH HOÀ