Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận: Cơ chế tự chủ tài chính thay đổi tư duy làm việc

Xã hội - Ngày đăng : 05:07, 03/07/2024

Mặc dù Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng cả tập thể đoàn kết, cố gắng vượt khó, từ đó nâng chất lượng điều trị, thu hút bệnh nhân và tăng doanh thu.
quan-ly-hen-2.jpg
Các chuyên gia của Liên chi hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh khám bệnh nhân mắc COPD tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Tăng bệnh nhân, tăng doanh thu

6 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 127.925 lượt khám bệnh, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 (111.764 lượt khám). Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 25.070 người, đạt 63% kế hoạch; 9.029 bệnh nhân điều trị ngoại trú, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong khoảng 0,373%, tương ứng 94 người, giảm so với cùng kỳ năm 2023 - chiếm 0,6%, tương ứng 139 người. Công suất giường bệnh đạt 89% so với kế hoạch đề ra 90%.

chuyen-gioa-ky-thuat-chan-thuong-chinh-hinh.jpg
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chuyển giao phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Nguyên nhân số lượt khám tăng hơn so cùng kỳ năm 2023 là do thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật; chủ yếu các bệnh lý về nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm, bệnh nội tiết mãn tính… Số lượng bệnh từ đầu năm 2024 đến nay có chiều hướng tăng lên, nhu cầu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc cũng tăng theo. Bên cạnh đó, bệnh viện tập trung nâng cao chất lượng điều trị để thu hút bệnh nhân. Vì thế, tổng doanh thu 6 tháng năm 2024 là hơn 144 tỷ đồng, đạt 137% so cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù số bệnh nhân tăng, nhưng tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận còn đối mặt nhiều khó khăn. Đó là trang thiết bị thì cũ, hư hỏng và thiếu một số máy hút dịch, máy thở, mấy hấp, máy thận, máy siêu âm tim, xe tiêm, xe thay băng, băng ca, xe đẩy ngồi... Một số trang thiết bị chỉ có duy nhất 1 cái, nhưng khi bị hư hỏng thì ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Thêm vào đó, bệnh viện không thể mua sắm trang thiết bị y tế có giá trị lớn phục vụ khám, chữa bệnh bởi chưa có nghị quyết của HĐND tỉnh về phân cấp thẩm quyền.

Đồng bộ thay đổi

Theo Nghị định 60 của Chính phủ, bệnh viện công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, chủ động sử dụng nguồn tài chính, điều tiết các khoản thu chi hiệu quả. Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, Ban Giám đốc và cả tập thể cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ có hiệu quả. Bằng chứng, số lượng bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6% so cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu hơn 144 tỷ đồng, đạt 137% so cùng kỳ năm 2023.

Để đạt được kết quả trên, bác sĩ chuyên khoa II Lê Huỳnh Phúc - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Trước hết, bệnh viện thực hiện nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chất lượng điều trị thì hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thời gian qua, các bệnh viện tuyến trên gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Liên chi hội Hô hấp Tp. Hồ Chí Minh nhiệt tình hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Chẳng hạn, thực hiện đề án 1816 của Khoa Tim mạch can thiệp; Đề án hỗ trợ gói chuyên môn kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối do Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ đào tạo chuyển giao. Tổ chức các hội nghị, tập huấn tại bệnh viện về quản lý hen và COPD; cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm phổi cộng đồng, viêm phổi bệnh viện; ứng dụng các thông số huyết học và đông máu trong hỗ trợ lâm sàng – từ thường quy đến nâng cao…

Bác sĩ Phúc cho biết: Điểm không kém phần quan trọng cùng với nâng chất lượng điều trị, là thay đổi tư duy cán bộ, viên chức, người lao động làm việc theo cơ chế tự chủ tài chính (theo Nghị định 60 của Chính phủ); thực hiện tốt nguyên tắc ứng xử của thầy thuốc. Và Ban Giám đốc cũng phải nâng cao công tác quản lý điều hành hoạt động của bệnh viện; đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Để phát triển tốt hơn nữa, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần phải đầu tư.

TRANG MINH