Tiềm năng phát triển du lịch từ làng nghề
Du lịch - Ngày đăng : 05:20, 04/07/2024
Cách TP. Phan Thiết 7 km về hướng bắc, làng nghề bánh tráng Phú Long có tuổi đời hàng trăm năm và được xem là một trong những đặc sản làng nghề của tỉnh Bình Thuận. Năm 2003, làng nghề bánh tráng Phú Long được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là làng nghề truyền thống. Từ đó đến nay, sản phẩm bánh tráng của người dân sản xuất ngày càng được khách hàng ưa chuộng, thương hiệu và thị trường tiêu thụ cũng mở rộng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, làng nghề bánh tráng Phú Long có 43 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động địa phương.
Công việc tráng bánh đòi hỏi sự tay nghề và sự khéo léo, chỉ người thợ lành nghề mới có thể làm ra những chiếc bánh to, tròn và đều. Muốn tạo ra những chiếc bánh tráng dẻo thơm thì người thợ phải tổng hòa nhiều công đoạn, gồm chọn gạo tốt, ngâm, xay. Quá trình tráng bánh, lửa được đốt từ vỏ trấu phải được giữ ở nhiệt độ ổn định, không quá non sẽ làm bánh bị chín sượng, cũng không quá già sẽ háp bánh… ngoài bánh tráng, bánh hỏi Phú Long cũng được xem là một trong những đặc sản. Những năm gần đây, nhiều du khách, nhất là khách quốc tế đã tìm đến những lò bánh truyền thống ở Phú Long để tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm....
Không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Bình Thuận còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc gắn với nền văn hóa lâu đời của đất và người Bình Thuận. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 10.000 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Tính đến nay, Bình Thuận có 3 làng nghề đang hoạt động được UBND tỉnh công nhận, gồm làng nghề bánh tráng Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) và làng nghề gốm gọ Bình Đức (huyện Bắc Bình).
Hiện nay nhu cầu tham quan của du khách ngày càng cao, nhất là xu hướng muốn trải nghiệm đời sống, cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa; được thưởng thức đặc sản địa phương một cách tự nhiên nhất. Vì vậy việc xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề tăng tính trải nghiệm cho du khách là một xu hướng giúp ngành du lịch đa dạng sản phẩm; phát triển một cách bền vững.