“Đòn bẩy” giải quyết việc làm cho người dân xã Hàm Trí
Xã hội - Ngày đăng : 05:10, 04/07/2024
Hàm Trí, một xã miền núi thuần nông của huyện Hàm Thuận Bắc, có 9.522 nhân khẩu, bao gồm thôn Lâm Giang, một thôn thuần đồng bào Chăm. Nhờ sự hướng dẫn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhiều gia đình khó khăn ở xã Hàm Trí đã có bước chuyển. Họ thay đổi cây trồng, vật nuôi, cải tiến tập quán canh tác và áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Kết quả là Hàm Trí đã trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho bà con.
Trồng chùm ruột đầu tư hệ thống nước tưới tiết kiệm
Đầu năm 2023, xã Hàm Trí vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo 2,95% và cận nghèo 3,87% là khá cao so với bình quân chung của huyện. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, số lượng hộ được vay vốn ngày càng tăng. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của xã Hàm Trí đã được cải thiện đáng kể, với tổng số vốn cho vay đạt trên 34,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.146 hộ. Nhờ nguồn vốn này, toàn xã đã có 26 hộ thoát nghèo; 77 lượt hộ nghèo và 93 lượt hộ cận nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Điều này đã giúp giải quyết việc làm cho 196 lao động, tạo thu nhập ổn định cho họ. Đặc biệt, nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều cá nhân và gia đình ở xã Hàm Trí mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho chính họ và cho lao động tại địa phương.
Gia đình anh Tâm chăm sóc cây chùm ruột từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Một câu chuyện điển hình về sự thành công nhờ vốn vay là gia đình anh Trần Thành Tâm ở thôn Phú Thái. Anh Tâm đã vay 80 triệu đồng từ NHCSXH huyện, với sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội Cựu chiến binh xã Hàm Trí để đầu tư trồng và chăm sóc vườn chùm ruột. Chị Nhân, vợ anh Tâm, chia sẻ rằng hai năm trước đây gia đình chị trồng thanh long, nhưng do giá cả không ổn định và cây thường xuyên bị sâu bệnh, họ quyết định chuyển sang trồng chùm ruột. Với đức tính cần cù và không chịu bỏ cuộc, gia đình chị đã học hỏi từ nhiều mô hình trồng chùm ruột khác và mạnh dạn trồng 200 cây trên diện tích 2 sào đất. Những cây chùm ruột phát triển nhanh và có chất lượng tốt, với giá bán trung bình từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.
Gặp chúng tôi tại vườn cây chùm ruột, dưới màu xanh mơn mởn, chị Nhân không giấu nổi niềm vui: “Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Hàm Thuận Bắc, vợ chồng tôi rất khó để chuyển đổi sang trồng cây chùm ruột. Thanh long trước đây gặp quá nhiều rủi ro, từ sâu bệnh đến giá cả bấp bênh, khiến chúng tôi luôn trong tình trạng lo lắng. Nhờ có sự giúp đỡ này, chúng tôi đã tìm thấy hướng đi mới. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các đại lý thu mua ở TP. Hồ Chí Minh để giá bán được cao hơn”. Chị Nhân cũng chia sẻ thêm về quá trình chăm sóc cây chùm ruột: “Với khí hậu nóng ẩm của xã Hàm Trí, cây chùm ruột phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh và ra hoa, cho trái quanh năm. Công chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cây thanh long. Chúng tôi đã quyết định mở rộng đầu tư trồng thêm 200 cây chùm ruột và hệ thống ống dẫn nước tưới. Hiện nay, cây đã được 7 tháng tuổi và phát triển rất tốt”.
Câu chuyện của anh Tâm và chị Nhân chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự thành công nhờ vào nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Hàm Thuận Bắc. Ông Đặng Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hàm Trí, cho biết: “Để đạt được kết quả khả quan như hiện nay, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và thành viên các tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên gặp gỡ, nắm rõ mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ và nhu cầu vay của các hộ. Đồng thời, họ cũng động viên người vay sử dụng vốn đúng mục đích”.