Các cơ sở chế biến nước mắm, cá cơm: Sản xuất cầm chừng vì thiếu cá

Kinh tế - Ngày đăng : 09:52, 27/02/2020

BT-  Từ Tết Nguyên đán đến nay, các tàu thuyền hành nghề pha xúc, vây bắt cá cơm đều nằm bờ vì nguồn cá cơm năm nay bỗng dưng khan hiếm. Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, chế biến cá cơm xuất khẩu ở TP. Phan Thiết cũng hụt nguyên liệu…
                
Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống    không đủ nguyên liệu ủ chượp hết công suất.

Nguyên liệu khan hiếm

Theo kinh nghiệm dân gian của ông bà xưa: “Được mùa cá sẽ mất mùa muối, được mùa muối sẽ mất mùa cá”. Không biết kinh nghiệm đó đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng năm nay bà con diêm dân đang được mùa muối! Có lẽ như thế mà cá cơm mất mùa, không đủ cho các cơ sở sản xuất nước mắm ủ chượp hết công suất thùng lều.

Theo chủ các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống ở Phan Thiết, thời gian muối mắm trong năm thường kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch. Nếu như mọi năm, sau tết là có nguyên liệu để làm cuốn chiếu, nhưng năm nay đứt nguồn cá cơm, các cơ sở chỉ làm cầm chừng lượng cá đã trữ từ năm 2019. Nhiều cơ sở đi “săn” nguyên liệu từ các vùng biển khác như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên nhưng vẫn không có cá. Ông Trương Quang Hiến – Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết chia sẻ: “TP. Phan Thiết có hơn 100 cơ sở chế biến nước mắm truyền thống. Hàng năm, các cơ sở này cần nguồn cá cơm dồi dào để sản xuất. Riêng cơ sở của tôi mỗi năm phải muối khoảng 200 tấn cá. Tuy nhiên, nguồn cá cơm đầu năm khan hiếm nên phải chờ đến tháng 4 chính vụ gom thêm nguyên liệu muối chượp cho vụ tới. Nếu đến tháng 9 dương lịch nguồn cung vẫn khan hiếm, thì nhiều cơ sở chế biến nước mắm buộc phải “treo thùng””.

Còn theo anh Quang Khải – chủ một cơ sở nước mắm phường Phú Hài, gần đây người tiêu dùng đã “ngán” nước mắm công nghiệp, quay lại sử dụng nước mắm truyền thống nên nhu cầu tiêu thụ loại mắm này tăng mạnh. Do vậy, cuối năm 2019, anh đã tranh thủ đặt hàng các chủ ghe, các doanh nghiệp chế biến cá cơm xuất khẩu… để mua cá nhưng đến nay vẫn chưa đủ số lượng để muối mắm. Cơ sở của anh mới muối được 20 lu, với hơn 50 tấn cá. Lượng cá trên chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu nguyên liệu của cơ sở. Đây là tình trạng chung của các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh.

 Nhiều lò hấp cá cơm đóng cửa

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, các cơ sở sản xuất cá cơm ở phường Mũi Né gần 2 tháng nay đóng cửa im lìm. Nếu như thường lệ, con đường tập trung chế biến cá cơm của khu phố 8 thời điểm này hoạt động nhộn nhịp, thì năm nay khá đìu hiu, tĩnh lặng. Gần 100 cơ sở ở phường phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì không có nguyên liệu để làm. Mũi Né được xem là một trong những địa phương có nguồn cá cơm dồi dào nhất, nhưng năm nay vẫn “đứt bóng”. Chủ một cơ sở sản xuất cá cơm lớn ở đây cho biết: “Mọi năm sau tết là đã có hàng làm, mỗi lao động cũng kiếm từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Năm nay, lao động thất nghiệp, nhiều cơ sở đóng cửa. Hàng cá cơm xuất qua thị trường Trung Quốc cũng gặp khó khăn do dịch bệnh, nên các lò hấp cá cơm ở đây được “nghỉ tết” dài hạn”.

Theo các cơ sở chế biến cá cơm nơi đây, nguồn cá cơm ngày càng cạn kiệt nên nhiều cơ sở đã bỏ nghề. Chừng 8 năm trước, cá nhiều làm không xuể, thu nhập người dân khá lên cũng từ đây. Lao động không sợ thất nghiệp. Nhưng giờ tranh nhau mua từng sọt cá để làm thì rất khó khăn. Không những khan hiếm, lượng cá tạp cũng nhiều nên việc chọn được nguồn cá cơm ngon, chất lượng thật không dễ.

Minh Vân