Tiếng Quốc kêu trong Sở Ba Nền (Sở Cô Bác)

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:33, 05/07/2024

Khoảng hơn 20 năm trước trong một lần họp lớp, một anh bạn học nay vào top lãnh đạo địa phương cười cười hỏi một anh thích đùa rằng:

- Nay còn một sở chưa bố trí nhân sự được, ông ở Đức Long gần đó có tính đăng ký không?.

Anh bạn hỏi: - Sở nào?

Đáp: - Sở Cô Bác.

Cả lớp đều cười!

Câu chuyện vui trên đây cho thấy thời đó người ta ít coi trọng chuyện quỷ thần, và ở Phan Thiết hầu như ai cũng biết Sở Cô Bác nhưng không quan tâm mấy.

ban-tho(1).jpg
Bàn thờ chính trong Sở Ba Nền.

Vài nét về Sở Ba Nền Phan Thiết

- “Có một thiết chế văn hóa dân gian mà bà con ngư dân vùng biển Phan Thiết đều biết đến, đó là Sở “Cô Bác” hay còn gọi là Sở “Ba Nền” ở phường Đức Long. Như tên gọi, Sở “Cô Bác” là nơi thờ phụng “cô bác” những âm hồn chết sông chết biển. Buổi đầu bà con đắp ba cái nền đất cao vuông vức bên bãi biển để làm nơi các âm hồn quần tụ lại có nơi có chỗ về mà hưởng cây nhang chén nước nên còn gọi là Sở “Ba Nền”. (Trích sách Bình Thuận quê xưa gió biển hương đồng, trang 152. Tác giả: Võ Ngọc Văn).

Ông Cao Đăng Tiến năm nay 73 tuổi, là Trưởng ban quản lý Sở Ba Nền kiêm Vạn trưởng Vạn chài Khánh Long Phan Thiết cho tôi biết, theo các cụ xưa kể lại thì Sở Ba Nền được tạo lập đã hơn trăm năm rồi. Sau ba lần nâng cấp, nhờ dân địa phương gần xa nhiệt tình ủng hộ nên Sở mới có diện mạo một ngôi đền trang nghiêm như hiện nay, tại số 181, đường Trần Lê TP. Phan Thiết. Đặc biệt, vài năm trước biển xâm thực mạnh, xung quanh sở hơn ba lớp nhà dân bị sạt lở. Sở trông như một bán đảo, bị sóng biển bủa vây 3 phía mà vẫn yên ổn nhờ sức dân hết lòng chống giữ.

Tuy nhiên ông Tiến cũng như hầu hết bà con chỉ biết Sở Ba Nền thờ cúng âm vong là người chết sông chết biển chung chung vậy thôi. Nhưng ông ghi nhận một điều là ông Hai Dưỡng, một nhân sĩ trí thức lớp trước ở đây rất có uy tín với dân: “Ổng nói với dân một tiếng bằng tui nói cả 100 tiếng”. Trước khi mất ông Hai Dưỡng đã dặn dò ông phải ráng trông nom Sở để giữ gìn cái điều quý giá cho dân làng?

Từ những thông tin ít ỏi trên, bản thân tôi rất tò mò nên nhiều lần đến Sở Ba Nền mong tìm được chút dấu tích người xưa. Nhưng ngoài các chữ Nho “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên các trang thờ, liễn đối tôi không tìm thấy bất cứ tài liệu, thông tin nào về lịch sử của Sở. Chỉ còn biết dựa vào các chữ Nho, tôi đã chụp ảnh tất cả các câu đối mang về phiên âm và dịch ra tiếng Việt. Dù đã hết sức cẩn trọng với công việc, nhưng do trình độ có hạn, người viết rất mong có sự nhiệt tình góp ý những thiếu sót nếu có để các bản dịch đều được chính xác như ý người xưa.

ban-tho-1.jpg
Liễn đối trong Sở Ba Nền.

Các câu đối trong Sở Ba Nền nói gì?

Từ cửa trước đi vào, ngay đầu chánh điện là gian thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, một hộ pháp trong Phật giáo. Ở cuối điện, đối diện với gian thờ Tiêu Diện Đại Sĩ là 3 dãy bàn thờ nghi ngút đèn hương. Bàn giữa được tôn cao có một bài vị lớn đề 3 chữ 百 靈 祠 (Bách linh từ: Đền thờ trăm vong). Hai bên là Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị.

Giữa chánh điện, có hai hàng cột vuông khảm 4 cặp liễn đối cao hơn đầu người được sơn son thiếp vàng trông rất uy nghi. Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu, từ cặp liễn đầu tiên ngay tầm mắt khi bước vào chánh điện là:

- Liễn 1: 杜 鵑 叫 洛 桃 花 月

血 染 枝 頭 恨 正 長

Phiên âm: Đỗ quyên khiếu lạc đào hoa nguyệt

Huyết nhiễm chi đầu hận chánh trường.

Tạm dịch: Quốc kêu hoa rụng, trăng tàn

Đầu cành máu nhuộm, hận tràn núi sông.

Đỗ quyên còn gọi là chim cuốc hay chim quốc, tiếng kêu nghe thảm thiết trong những đêm trăng mờ đầu mùa hạ, thường được dùng trong văn học cổ để nói lên nỗi đau của người mất nước, hoặc phải tha phương nơi đất khách quê người:

- “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)

-“Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ” (Cuốc kêu cảm hứng- Nguyễn Khuyến).

Liễn 2: 將 軍 戰   馬 今 何 在

野 草 閑 花 滿 地 愁

Phiên âm: Tướng quân chiến mã kim hà tại

Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu.

Tạm dịch: Tướng quân chiến mã giờ đâu thấy?

Cỏ dại hoa suông khắp đất sầu.

Liễn 3: 宦 貺 蕭 蕭 隨 流 水

離 魂 杳 杳 隔 陽 關

Phiên âm: Hoạn huống tiêu tiêu tùy lưu thủy

Ly hồn yểu yểu cách dương quan.

Tạm dịch: Cung kính tạ quan theo dòng nước

Thăm thẳm hồn lìa biệt cõi dương.

Liễn 4: 七 尺   紅 羅 書 姓 字

一 杯 黄 土 蓋 文 章

Phiên âm: Thất xích hồng la thư tính tự

Nhất bôi hoàng thổ cái văn chương.

Tạm dịch: Bảy thước lụa đào đề tên họ

Một nấm đất vàng lấp văn chương.

Cả 4 cặp liễn đối này đều có nguồn gốc từ bản “Văn thỉnh thập nhị cô hồn” là một trong các Bản sớ cúng vong của đạo Phật. Chỉ có thay đổi một từ “lưu thủy” (nước chảy) trong vế đầu của liễn 3 so với bản gốc là “thệ thủy” (nước lạnh). Có thể sự thay đổi này để phù hợp với hoàn cảnh thực tế nơi đây.

Thập nhị cô hồn gồm 12 hạng vong linh từ cao xuống thấp gồm: vua chúa, tướng soái, quan văn, sĩ tử, tăng ni, đạo sĩ, binh sĩ, cung phi mỹ nữ, thương buôn, sản nạn, ngỗ nghịch, tù tội. Mỗi hạng vong linh trong 12 hạng trên đều có cặp đối thỉnh trong “Văn thỉnh…” phù hợp với đẳng cấp của họ. Bốn liễn đối trong Sở Ba Nền là để cung thỉnh 4 hạng vong linh thượng đẳng, gồm vua chúa mất nước, tướng võ tử trận, quan văn, sĩ tử có công hoặc chết vì đất nước.

Trở lại bàn thờ chính có bài vị “Bách linh từ”, thấy trên bàn thờ có một tượng quan võ với 2 con ngựa. Hai bên bàn thờ còn có một cặp đối chữ Nho như sau:

張 矢 四 方 英 雄 無 定 骨

江 山 千 古 香 火有 因 緣

Phiên âm: Trương thỉ tứ phương anh hùng vô định cốt

Giang sơn thiên cổ hương hỏa hữu nhân duyên

Tạm dịch: Giương tiễn khắp bốn phương, anh hùng đâu định nơi yên nghỉ

Núi sông tự ngàn xưa, hương khói phụng thờ có nhân duyên.

Như vậy, tuy bàn thờ ghi là “Bách linh từ’ (Đền thờ trăm vong), nhưng câu đối thì ca ngợi những tướng sĩ quên mình vì nước và khẳng định việc thờ phụng ở đây là có nguyên do.

Liên hệ với lịch sử chống Pháp ở Bình Thuận qua các phong trào Cần vương, Duy tân với các tên tuổi như Ung Chiếm, Phan Trung, Nguyễn Thông… thấy rằng tại Bình Thuận ngoài người địa phương hưởng ứng chống Pháp còn có những nghĩa sĩ từ Nam kỳ lục tỉnh tham gia, và số người yêu nước bị giặc giết hại hoặc chôn sống vùi thây nơi bãi biển Phan Thiết (gần nơi xây dựng Sở Ba Nền sau này) chắc là không ít, lâu ngày nơi này thành khu mả lạng. Có lẽ nhân dân địa phương cùng các nhân sĩ, hào mục các làng, vạn thương cảm đã lập ba nền đất phụng thờ, phao truyền thờ cúng cô bác chết sông, biển để che mắt quân thù. Các cặp liễn đối cổ được dựng lên còn mang đậm tính ước lệ của thời Nho học, có thể được dùng để ám chỉ các vị chỉ huy nghĩa quân và bộ tham mưu giúp việc, và những người chống Pháp khác bị giết hại đều là những bậc có công với nước nên được tôn vinh như bốn hạng vong linh thượng đẳng để dân chúng phụng thờ.

Đuổi Pháp đi rồi, miếu thờ đã được dựng lên che mưa nắng. Nhưng rồi phải lo đánh Mỹ, hòa bình rồi còn lo cơm áo cho người sống, đến khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20 trở đi dân làng mới sửa sang tu bổ sở thêm, đến khoảng thập niên đầu của thế kỷ 21 là lần trùng tu cuối tạo bộ mặt Sở Ba Nền trang trọng như hiện nay. Tuy nhiên thời gian dài đã trôi qua, nhiều lớp người đã mất, những ký ức bi hùng về những nghĩa sĩ vô danh xả thân vì nước đến nay cũng mai một dần vì không còn ai biết!?

Phần kết

Mặt tiền Sở Ba Nền nhìn ra biển Đông, trên cửa chính có một bảng sơn đỏ chữ vàng ghi bốn chữ Âm Linh Tự Sở. Hai bên cửa đi vào có một cặp đối chữ Nho:

經 窗 冷 寝   三 更 月

禅 室 虛 明 半 夜 燈

Phiên âm: Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt

Thiền thất hư minh bán dạ đăng.

Tạm dịch: Trăng canh ba lạnh lẽo xuyên qua cửa

Đèn nửa đêm thêm sáng mái thiền không

Câu đối có khí văn lạnh toát của cõi âm, và có ý khuyên các vong linh hãy quên cõi dương gian mà hướng về chốn thiền không của nhà Phật để sớm được giải thoát khỏi vòng đời khổ đau này.

Trên tinh thần đó người viết mong những ai khi có dịp đi ngang hoặc ghé vào Sở Ba Nền, hãy lắng lòng thanh tĩnh, thành tâm tưởng nhớ tri ân những người đã khuất. Chỉ cần một chút lòng thành kính sẽ an ủi giúp cho những người đã chết được nhẹ nhàng siêu thoát và người sống cũng được yên tâm.  

Hoàng Hạnh