Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng: Cần thiết phải có Trung tâm Xử lý nhanh

Pháp luật - Ngày đăng : 05:37, 05/07/2024

Chỉ cần một cái nhấp chuột vào đường link do các đối tượng cung cấp thì toàn bộ dữ liệu trên thiết bị di động của người dân đã bị chiếm đoạt. Trong "cuộc chiến" phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, thời gian không tính bằng ngày mà tính bằng giờ, bằng phút thậm chí bằng giây. Việc hình thành Trung tâm Xử lý nhanh về các vụ lừa đảo trên không gian mạng là hết sức cấp thiết.

Vai trò “chốt chặn” của ngân hàng

Tội phạm sử dụng công nghệ cao có địa bàn hoạt động rộng, xuyên biên giới, xuyên lãnh thổ, thời gian hoạt động suốt ngày, đêm, có tính tự động hóa, chuyên nghiệp cao, dễ dàng xóa bỏ dữ liệu điện tử, dấu vết tội phạm. Số tiền mà các đối tượng này lừa đảo được hầu hết đều chuyển qua hệ thống ngân hàng. Nguồn tiền chiếm đoạt được các đối tượng phân chia, chuyển qua, lại trên nhiều tài khoản khác nhau một cách nhanh chóng bằng thiết bị di động; chuyển tiền ra nước ngoài và rút ngay lập tức toàn bộ số tiền tại nước ngoài. Cùng với đó, các đối tượng dùng tiền lừa đảo để mua tiền ảo hoặc sử dụng dịch vụ chuyển đổi tiền quốc tế không thông qua ngân hàng... Trong vụ việc một chủ tịch huyện ở Đồng Nai bị lừa gần 171 tỷ đồng trên không gian mạng, quá trình truy xét, lực lượng công an xác định, các đối tượng lừa đảo chuyển qua hơn 60 tài khoản ngân hàng khác nhau. Điều này đặt ra vai trò rất lớn của ngân hàng, có thể gọi là “chốt chặn cuối cùng”, có tính chất quyết định ngăn chặn người dân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Điều này thể hiện qua việc trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2024, nhân viên ngân hàng đã kịp thời phát hiện và phối hợp với lực lượng công an ngăn chặn 4 vụ việc người dân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh cơ quan chức năng lừa đảo người dân. Số tiền mà lực lượng chức năng đã ngăn chặn thành công là khoảng 7,5 tỷ đồng.

77ec284b92db318568ca.jpg
Trao thưởng của Bộ Công an cho các tập thể có thành tích trong việc phối hợp ngăn chặn kịp thời hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của công dân.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, 5 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57% về số lượng và hơn 39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển với tốc độ nhanh. Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Việc giao dịch không dùng tiền mặt tăng cao đòi hỏi ngành ngân hàng phải tích cực triển khai các biện pháp an toàn, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng. Từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng quy định người dân muốn chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên/lần đến 20 triệu đồng/ngày phải nhận diện khuôn mặt (sinh trắc học). Đây được xem là một giải pháp quan trọng trong phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng. Báo cáo tại Hội nghị nhận diện phương thức thủ đoạn và bàn giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng được tổ chức mới đây, ông Phan Thanh Én – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho biết: Đây là nội dung mới, thể hiện sự quyêt tâm, quyết liệt của NHNN, có thể giải quyết căn cơ vấn nạn lừa đảo bằng việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến. Những kẻ lừa đảo thường đánh vào điểm yếu nhất trong chuỗi thanh toán là người dùng, bằng yếu tố phi kỹ thuật. Tức là kẻ lừa đảo nhắm vào tâm lý của người dùng như lòng tham hay nỗi sợ hãi để họ thực hiện giao dịch thanh toán thật, chuyển cho kẻ gian và chiếm đoạt tài sản bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng bên thứ 3. Nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345 khi giao dịch thì phải so khớp, phải xác thực khuôn mặt, thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc được. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền. Điều khá quan trọng là khi chiếm đoạt thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền. Mặt khác, khi thực hiện giao dịch thông thường trên 10 triệu đồng, người cho thuê, đi thuê tài khoản sẽ không sử dụng được tài khoản đi thuê khi phải xác thực khuôn mặt.

toi-pham-khong-gian-mang-16439469628661465004838.jpg
Việc thành lập Trung tâm xử lý nhanh là rất cần thiết để phòng chống tội phạm trên không gian mạng

Xử lý nhanh chừng nào, người dân an tâm chừng đó

Cũng tại Hội nghị nhận diện phương thức thủ đoạn và bàn giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu, thiết lập Trung tâm Xử lý nhanh các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trung tâm này sẽ do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần. Trung tâm sẽ là nơi phối hợp trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời, phục vụ việc ngăn chặn, xử lý tội phạm.

Đây là một giải pháp rất thiết thực để ngăn chặn loại tội phạm đang gây nhức nhối cho xã hội trong thời gian vừa qua. Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy: Hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang sử dụng 11 nhóm phương thức, thủ đoạn để lừa đảo gồm: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật; lừa đảo mua hàng trực truyến với giá rẻ; tuyển cộng tác viên online; kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo; mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện; giả yêu đương, gửi nhận tiền, bưu phẩm từ nước ngoài; đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội; vay tiền trực tuyến; cài đặt ứng dụng giả mạo; thông báo trúng thưởng, quà tặng; giả mạo trang web các khách sạn, resort...

Trong năm 2023 và nửa năm 2024, các đơn vị đã tổ chức xác minh hơn 60 vụ việc, đưa vào tin báo, tố giác tội phạm 9 vụ, khởi tố vụ án hình sự 1 vụ liên quan đến tội phạm công nghệ cao nói chung. Đã phát hiện, điều tra xử lý 47 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 4 vụ liên quan không gian mạng với các thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng, lừa bị hại nhận quà, quảng cáo hoặc kêu gọi từ thiện…

Nguyễn Luân