Hàm Thuận Nam: Người dân “mặn” sản xuất thanh long VietGAP

Kinh tế - Ngày đăng : 09:49, 27/02/2020

 BT- Được mệnh danh là thủ phủ thanh long của Việt Nam, thời điểm này, huyện Hàm Thuận Nam có trên 12.800 ha thanh long. Xác định sản xuất thanh long theo hướng VietGAP sẽ góp phần vào việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Năm qua, huyện Hàm Thuận Nam đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP.

 Vượt chỉ tiêu cấp mới thanh long VietGAP

Xác định hiện nay, thị trường tiêu thụ trái thanh long chính của nước ta  là Trung Quốc và một số quốc gia khác. Trước việc thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, siết chặt yêu cầu truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát chất lượng trái thanh long xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, người sản xuất bắt buộc phải tham gia vào quy trình sản xuất thanh long an toàn và cần phải thực hiện nghiêm ngặt các bước theo quy trình để đảm bảo chất lượng trái thanh long. Chính vì vậy, năm qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển thanh long bền vững huyện nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch sản xuất thanh long VietGAP. Theo đó, song song với sắp xếp, bố trí thời gian làm việc cùng BCĐ các xã, thị trấn, cán bộ tư vấn tỉnh để tiếp cận các tổ, nhóm đến hạn, BCĐ huyện đã chú trọng vận động thành lập tổ, nhóm mới. Đồng thời, tiến hành hướng dẫn, đánh giá nội bộ và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở kịp thời những thiếu sót từng hộ về hồ sơ sổ sách và thực địa nhằm đáp ứng theo yêu cầu những tiêu chí VietGAP đề ra. Nhờ đó, năm 2019, toàn huyện cấp mới 734 ha diện tích thanh long theo tiêu chuẩn    VietGAP với 81 tổ, nhóm; đạt 209,7% kế hoạch huyện giao và 272% kế hoạch tỉnh giao.

Mặt khác, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường phổ biến rộng rãi quy trình sản xuất VietGAP bằng nhiều hình thức phù hợp. Cũng như chú trọng tuyên truyền cách phòng trừ các loại bệnh khác và dịch hại phổ biến; cách sử dụng thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly theo quy định, nhất là không được sử dụng các loại thuốc cấm trong danh mục. Bên cạnh đó, BCĐ huyện, xã, thị trấn duy trì thường xuyên và liên tục công tác vận động, tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu đến người dân. Qua đó, đã góp phần giúp người dân chủ động hơn trong công tác vệ sinh vườn, không để cành non trong mùa mưa, thu gom, cắt tỉa cành, nhánh, trái bị bệnh để xử lý theo đúng quy trình. Đồng thời đầu tư chăm sóc bón phân, phun thuốc phòng bệnh đúng quy trình, liều lượng nên đã hạn chế sự lây lan của bệnh đốm nâu và các loại dịch hại khác.

 Tiếp tục sản xuất thanh long VietGAP

Tuy nhiên, theo nhận định BCĐ huyện, năm 2019, giá thanh long giảm hơn nhiều so với những năm trước làm ảnh hưởng đến diện tích tái cấp. Từ đó một số tổ, nhóm không tiếp tục làm theo quy trình VietGAP cũng như khó khăn cho việc thành lập thêm tổ, nhóm mới. Mặt khác, công tác phòng trừ bệnh đốm nâu tại một số hộ dân còn chủ quan, chưa quan tâm đến công tác phòng trừ bệnh và chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng trừ. Trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại tình trạng nông dân đổ cành, trái bị bệnh ở ven các tuyến đường nông thôn, hàng ranh vườn tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán, lây lan.

Thời gian tới, BCĐ huyện tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào quy trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn. Cùng với đó, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu và các loại dịch hại khác trên cây thanh long. Song song, BCĐ huyện sẽ tăng cường bám sát địa bàn, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình vận động người dân sản xuất thanh long VietGAP. Đồng thời, đề ra chỉ tiêu cụ thể về tái cấp và cấp mới, rà soát cụ thể các nhóm đến hạn trong năm để thực hiện tái cấp đúng hạn. Riêng đối với các thành viên BCĐ và thành viên Tổ tư vấn huyện sẽ chủ động, phối hợp cùng với BCĐ các xã, thị trấn được phân công phụ trách giúp tổ/nhóm mới hình thành và xây dựng quy trình sản xuất chung của tổ. Mặt khác, chú trọng kiểm tra thường xuyên quy trình sản xuất chung của nhóm, bảo đảm đúng quy trình và không sử dụng thuốc cấm hoặc hạn chế sử dụng trong quy trình sản xuất. Đồng thời, phối hợp cập nhật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia người dân, gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng trừ bệnh đốm nâu.

    
      Thống kê mới nhất của BCĐ phát triển thanh long bền vững huyện Hàm Thuận   Nam: Tính đến nay toàn huyện có 6.653 ha/4.236 hộ/201 tổ, nhóm, trang   trại tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 52%   diện tích thanh long hiện có trên địa bàn huyện với 12.889 ha. Năm 2019,   tất cả các xã, thị trấn đều đạt và vượt chỉ tiêu cấp mới của huyện,   trong đó 8/12 xã vượt hơn 200% kế hoạch.

KIM ANH