Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - Ngày đăng : 16:35, 05/07/2024
Từ sau ngày 1/7, người dân chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học. Nhiều người dân gặp khó khăn khi thực hiện thao tác nhập sinh trắc học. Các đối tượng đã lợi dụng việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin kết bạn với người dân qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để "hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học". Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh Căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… Các đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Một số ngân hàng thương mại như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)… khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…) không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.
Đây là một thủ đoạn rất mới của bọn tội phạm. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Bởi vì, ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Người dân cảnh giác, không truy cập vào các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin… Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; chủ động bảo vệ thông tin cá nhân và của người thân; thực hành thói quen sử dụng mạng an toàn.
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người dân cần có ý thức tự bảo vệ như: đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo; nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.