Đẩy mạnh Quỹ biến đổi khí hậu hỗ trợ các nước bị tổn thương

Quốc tế - Ngày đăng : 10:23, 07/07/2024

BTO - “Các nước đã phát triển phát thải khí nhà kính trong suốt chiều dài lịch sử, phải tăng cường hoạt động chống biến đổi khí hậu hơn nữa”, ông Thoriq Ibrahim, Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Maldives nói tại một diễn đàn mới đây khi quốc đảo này đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua thích ứng.
anh.jpg
Bờ biển của đảo Mahibadhoo ở Maldives  đang bị xâm thực

Diễn đàn Phát triển bền vững Toàn cầu diễn ra ở thành phố Abu Dhabi của Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất tuần qua. Ông Thoriq Ibrahim tham dự nói, việc tiếp cận nhanh chóng các Quỹ “Mất mát và Thiệt hại”, giúp cho quốc đảo xoay chuyển được tình thế trước biến đổi khí hậu.

Quỹ này là kết quả quan trọng nhất đối với đất nước của ông kể từ Hội nghị Các bên tham gia công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (lần thứ 28), gọi tắt là COP28 được tổ chức tại Dubai - UAE năm qua.

Điều quan trọng hiện nay là các nước phát triển đã phát thải khí nhà kính nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào nên phải tăng cường cho quỹ này, đảm bảo cung cấp cho những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, có thể tiếp cận quỹ một cách nhanh chóng nhất, ông nêu thêm.

untitled-1.jpg
Ông Thoriq Ibrahim, Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Maldives.

Ngoài ra ông chia sẻ với tờ báo The National tại một sự kiện do Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (Adnoc), Mạng lưới CSO và Sở giao dịch chứng khoán New York, nơi các chuyên gia thảo luận về công nghệ, dữ liệu và vai trò của trí tuệ nhân tạo đối với khí hậu và thiên nhiên,  đồng tổ chức: “Điều quan trọng nhất tại COP28 là phải làm sao cho Quỹ này khởi động mạnh. Các nước đã phát triển phải xây dựng quỹ này và chúng phải “dễ tiếp cận”.

Giúp các nạn nhân khủng hoảng khí hậu

Quỹ “Mất mát và Thiệt hại” nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Nhưng các quốc gia đã từ lâu tranh cãi về điều kiện xây dựng, đóng góp vào quỹ với các quốc gia giàu có hơn vì cho rằng nó có thể được xem là đền bù khí hậu.

Mãi đến cuối COP28 mới đạt cam kết trị giá 792 triệu USD cho quỹ, nhưng các chuyên gia cho rằng, nhiêu đó chưa đủ mà phải hàng nghìn tỷ USD thì mới có thể đối phó với biến đổi khí hậu nói chung.

Các quốc đảo nhỏ đang phát triển như Maldives, phát thải chỉ khoảng 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu nhưng họ lại thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất khí thải này và ít có khả năng giải quyết nó.

Ông Ibrahim cho biết: “Quốc gia chúng tôi không làm bất cứ điều gì gây ra biến đổi khí hậu vì lượng khí thải của Maldives rất nhỏ. Nhưng hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu”.

Maldives là quần đảo ở Ấn Độ Dương bao gồm khoảng 1.200 hòn đảo, hầu hết không có người ở. Theo Ngân hàng Thế giới, quốc đảo này nổi tiếng với những bãi biển cát trắng bình dị và các đảo san hô rợp bóng cọ, với du lịch chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế.

Nhưng các nhà khoa học cảnh báo, Quốc đảo này có thể phải đối mặt với một tương lai không sáng sủa vì biến đổi khí hậu do con người gây ra, khiến cho nước biển dâng cao. Khoảng 80% diện tích đất Maldives cao hơn mực nước biển trung bình chưa đầy một mét.

anh-2.jpg
Lũ lụt do biến đổi khí hậu.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ cảnh báo, mực nước biển toàn cầu có thể tăng khoảng nửa mét vào năm 2100 ngay cả khi lượng khí thải nhà kính giảm. LHQ đã nhiều lần cho rằng, thế giới đang đi chệch hướng trong việc hạn chế phát thải ấm lên toàn cầu. Năm 2009, nội các Maldives thậm chí còn tổ chức một cuộc họp dưới nước để nêu bật vấn đề nước biển dâng.

Xâm thực, sóng nhiệt, nước ngọt nhiễm mặn do nước biển dâng xâm nhập và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang gây nguy hiểm cho Maldives, khiến dân số khoảng 544.000 người của đảo quốc dễ bị tổn thương.

Ông Ibrahim cho biết, các kiểu thời tiết đang thay đổi, gây ra hạn hán nhiều hơn và mưa như trút nước cũng nhiều hơn. Lũ lụt cùng với thủy triều dâng cao, hiện tượng xâm thực bờ biển ngày càng nhiều. Có những hòn đảo đang bị xâm thực nghiêm trọng, nguy cơ phá hủy nhà cửa.

Maldives đã và đang tăng cường kè biển với cái gọi là biện pháp thích ứng – để cố gắng đối phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ hiện cũng đang sử dụng phương pháp khử muối để cung cấp nước uống cho người dân trên đảo.

Tuy nhiên, ông Ibrahim bác bỏ ý kiến ​​cho rằng, chính quyền sẽ di dời người dân đi nơi khác. Trong trường hợp nếu biển xâm thực nghiêm trọng, người dân có thể di chuyển từ đảo này sang đảo khác, không có ý định rời khỏi Maldives”.

Ông cho biết, các quốc đảo nhỏ ở tiền tuyến đương đầu trực tiếp với biến đổi khí hậu, nếu không thì mọi nơi sẽ gặp các vấn đề. Nếu các quốc đảo nhỏ được bảo vệ khỏi những tác động của biến đổi khí hậu thì phần còn lại của thế giới sẽ được cứu. Trong khi, COP29 diễn ra ở Azerbaijan vào tháng 11 tới. Dự kiến bàn nhiều về việc đóng góp thêm vào quỹ và ông Ibrahim cho biết, điều này rất quan trọng vì họ biết cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhưng cần tiền để làm điều đó.

Ninh Chinh (theo The Nationalnew)