Hiểm họa khôn lường từ hành vi tái chế dầu nhớt thải trái phép
Pháp luật - Ngày đăng : 05:05, 08/07/2024
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, công an đã phát hiện 5 vụ tái chế nhớt thải xảy ra trên địa bàn các huyện: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân và thị xã La Gi, có vụ phát hiện cả hàng chục ngàn lít nhớt thải. Mới đây nhất (ngày 14/6), Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã tiến hành kiểm tra một nhà xưởng khoảng 300 m2 nằm sâu trong khu vực hẻo lánh thuộc thôn 6, xã Hàm Chính.
Tại đây, lực lượng công an phát hiện và thu giữ 19.600 lít nguyên liệu là nhớt thải được chứa trong các thùng phuy, 10.000 lít dầu nhớt thành phẩm không có nhãn mác được chứa trong các thùng nhựa cùng toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, dung dịch dùng cho hoạt động tái chế. Xưởng nấu tái chế nhớt trái phép do L.A.H (SN 1994, trú tại xã Tân Phước, thị xã La Gi) điều hành, tham gia vận hành còn có 4 đối tượng khác. L.A.H khai rằng, nhớt thải được thu gom, mua lại từ các garage ô tô, trung tâm bảo dưỡng tại TP. Phan Thiết rồi vận chuyển đến nhà xưởng tiến hành tái chế, sau đó bán ra thị trường.
Người dân xã Hàm Chính cho biết, thời gian qua, tại khu vực này có tình trạng khói đen bốc lên cao và có mùi hôi bất thường nên đã báo công an vào cuộc điều tra. Đây không phải là vụ tái chế nhớt thải trên địa bàn xã được phát hiện, triệt xóa. Trước đó, vào ngày 6/2, cũng trên địa bàn xã Hàm Chính, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã phát hiện, bắt giữ 1 vụ xử lý chất thải nguy hại (dầu nhớt thải) không có giấy phép. Thời điểm trên, công an đã tạm giữ 34.000 lít dầu nhớt thải, 6.000 lít dầu đã xử lý và hóa chất các loại phục vụ cho quá trình xử lý tái chế nhớt. Được biết, ngày 21/6, Công an thị xã La Gi cũng phát hiện và thu giữ 28.000 lít nhớt tái chế trái phép tại trụ sở công ty tái chế phế liệu ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước do ông N.Q.Q (SN 1988, trú tại phường Phước Hội, thị xã La Gi) là người đại diện theo pháp luật. Người này cũng thừa nhận hoạt động tái chế nhớt thải của cơ sở là do bản thân đứng ra tổ chức, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động thu gom, xử lý chất thải nguy hại, không có hồ sơ pháp lý có liên quan và hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định.
Được biết, dầu, thớt thải là chất thải nguy hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến môi trường. Hành vi tái chế nhớt thải trái phép làm gia tăng xảy ra hỏa hoạn, nguy hiểm hơn là đe dọa đến sức khỏe con người. Tuy vậy, vì lợi nhuận, một số đối tượng đã bất chấp, cố tình thực hiện các hành vi phạm pháp. Do vậy cần xử nghiêm để răn đe, phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân. Để tiếp tục ngăn chặn, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật tương tự, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nắm tình hình, tập trung thu thập thông tin, tài liệu xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sản xuất, buôn bán dầu nhớt thải tái chế. Đồng thời phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao cảnh giác. Tiếp nhận, xác minh các nguồn tố giác, tin báo về tội phạm nhằm phát hiện kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm và vi phạm pháp luật.
Liên quan lĩnh vực này, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 250 triệu đồng. Phạt tiền từ 200 triệu đồng - 250 triệu đồng đối với hành vi tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không đúng nội dung trong sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Về hình sự, điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định xử phạt về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó đối tượng liên quan sẽ đối diện mức án lên đến 15 năm tù, tùy từng khung hình phạt.