Xây dựng chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long Bình Thuận
Kinh tế - Ngày đăng : 10:44, 11/03/2020
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Theo đề ánđầu tư phát triển chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Lavifood xây dựng. Đề án này sẽ góp phần phát triển bền vững chuỗi sản phẩm thanh long, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Thanh long là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở nước ta. Cây thanh long không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao thu nhập đáng kể cho người nông dân của tỉnh, mà còn góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng, hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng và chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường nên chưa phát huy hết giá trị kinh tế to lớn của cây thanh long. Quy mô sản xuất của các HTX còn nhỏ lẻ, hầu hết các hợp tác xã chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa đủ tiềm lực và năng lực để thu mua và xuất khẩu thanh long, phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Các sản phẩm chế biến từ thanh long như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long với số lượng và quy mô sản xuất còn nhỏ. Vì vậy việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định hiện nay không ở đâu có vùng chuyên canh thanh long lớn như ở Bình Thuận. Đây là thuận lợi khá lớn để xây dựng chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long. Chính vì vậy tỉnh Bình Thuận cần đẩy nhanh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thanh long cùng với việc đảm bảo cơ sở hạ tầng vùng tập trung sản xuất thanh long như: điện, nước, đường sá… Tập trung sản xuất thanh long sạch theo hướng hữu cơ, phải có lộ trình sản xuất theo nhu cầu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm bên cạnh việc xuất khẩu trái tươi. Về vấn đề tổ chức sản xuất, để HTX thực sự là cầu nối giữa nông dân và thị trường tiêu thụ, Bình Thuận nên mạnh dạn tổ chức HTX quy mô lớn trên vùng chuyên canh của đề án.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Thanh long Bình Thuận không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao thu nhập đáng kể cho nông dân mà còn góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Để nâng cao sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường, trong những năm qua, Bình Thuận đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh triển khai quy trình sản xuất an toàn trên trái thanh long. Đồng thời chú trọng xây dựng hình thành các chuỗi sản xuất gắn sơ chế, tiêu thụ thanh long… Liên quan đến việc xây dựng và thực hiện đề án đầu tư phát triển chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần nói rõ quá trình xây dựng đề án để phát huy sản phẩm lợi thế quốc gia. Chủ tịch tỉnh cảm ơn Liên minh HTX Việt Nam đã quan tâm hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án; đồng thời cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX Việt Nam và Tập đoàn Lavifood triển khai xây dựng đề án. Trước đó, đoàn công tác đã tham quan, khảo sát và làm việc tại một số hợp tác xã thanh long trên địa bàn 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam nhằm nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của các HTX trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Q.Nhân