Nơi cuối sông Phan

Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 09/07/2024

Một tập đoàn du lịch lớn đang xây dựng dự án với kế hoạch sẽ kéo cáp treo từ chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam) về phía biển thuộc xã Tân Hải (thị xã La Gi) tại điểm Gò Đình. Cứ như chuyện cổ tích, khi kết nối núi rừng qua sông ra biển.

Lung lay cầu treo gần biển

Những nhân công thi công cầu Hiệp Trí gấp gáp chạy vào lều, khi mưa ngày càng nặng hạt. Tháng 6 dương lịch, với vùng La Gi chưa vào cao điểm mùa mưa nhưng chỉ hơn nửa tiếng sau, nước trên sông Phan đoạn cầu Hiệp Trí đang thi công đã đục ngầu cuồn cuộn. Thế nên, tôi tin hơn những gì ông Đặng Thanh luống tuổi 60 ở thôn Hiệp Trí, xã Tân Hải, thị xã La Gi kể về chuyện lúc trước xa, khi ông chỉ là cậu bé 15 - 17 tuổi qua lại con sông Phan này như cơm bữa. Vì bên kia sông là thôn Hiệp Hòa nhưng là nơi có chợ, có trường học, là nơi có nhà cửa bề thế và có cả âm thanh của phố xá nhộn nhịp. Còn ở phía bên này sông, là nơi có nhà của ông Thanh và các hộ dân khác thuộc thôn Hiệp Trí là vùng nông nghiệp, nổi lên nhiều vườn thanh long. Bên này và bên kia cách con sông rộng khoảng 100 m thôi, đều thuộc xã Tân Hải nhưng cách trở, lận đận trong xây dựng mà người dân ở đây ví kéo dài như một đời người.

song-phan-ch-n.-lan-.jpg
Sông Phan chảy qua Tân Hải, La Gi. Ảnh: N.Lân

Vì sao gọi là sông Phan? Ông Thanh nói vui rằng chắc dòng nước nó phan tới tấp hay sao. Trong ký ức của ông, sông Phan vào mùa mưa dữ dằn lắm. Nước cứ dâng cao bất ngờ. Nhiều người dân thấy dòng nước êm nên vô tư đi đò, mới bị lật đò, bị cuốn ra biển, cách đó 1 km. Cửa Ba Đăng nông chứ không sâu và đẹp nữa nhưng chỉ trong mùa êm. Ở lứa tuổi 15-17, ông từng nhảy xuống dòng nước ấy tham gia cứu người thân. Đến năm 2004, đôi bờ sông được kết nối bằng 1 chiếc cầu treo thơ mộng với dây võng 3 nhịp, có bề rộng phần xe chạy là 2,5 m, chiều dài 99 m. Nhưng nét nên thơ giữa khung cảnh làng quê ấy chỉ kéo dài 10 năm, cầu đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Từ năm 2015, UBND thị xã La Gi đã cấm các loại xe 3, 4 bánh lưu thông qua cầu. Thời gian sau đó là những sửa chữa chắp vá. Lúc thì Sở Giao thông Vận tải đầu tư sửa chữa lại mặt cầu và lan can bằng kết cấu thép. Lúc thì UBND thị xã La Gi tiếp tục sửa chữa lại mặt cầu để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, cũng trong chừng ấy thời gian, cây cầu đã gắn với nỗi khiếp sợ của nhiều người, nhất là người nơi khác đến, trong đó có tôi ở thế muốn đi qua cầu cho nhanh, đã trở thành nỗi ám ảnh.

bi-n.-lan-2-.jpg
Biển khu vực Tân Hải - Tân Tiến, La Gi. Ảnh: N.Lân

Vì rằng cây cầu treo Hiệp Trí ở gần biển. Bị ảnh hưởng hơi nước biển nên kết cấu thép của cầu vốn bảo đảm để đi lại an toàn, đều đã bị hoen rỉ nghiêm trọng theo thời gian. Thế nên, dân ở thôn Hiệp Trí đều đi đường vòng qua xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) vào lại địa bàn xã của mình mất khoảng 3-4 km để đi chợ, tới trường. Cử tri bức xúc kiến nghị, phản ánh nhiều lần trong nhiều tháng, nhiều năm. Dự án xây dựng mới cầu Hiệp Trí, xã Tân Hải, thị xã La Gi bằng kết cấu bê tông cốt thép được UBND tỉnh đồng ý chủ trương lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư vào cuối tháng 9/2020. Nhưng vì chưa bố trí được vốn nên phải đến năm 2023 mới có thể khởi công cầu Hiệp Trí.

2 cây cầu mang sứ mệnh đổi thay

Hôm dỡ cầu, ông Thanh nhớ rất rõ đó là ngày 28/11/2023, bà con náo nức, hân hoan như thanh long năm 2024 được giá cao. Giá làm cầu bao nhiêu, dân ở đây cũng biết luôn. “Gần 15 tỷ đồng đấy, vốn tỉnh cho gần 8,7 tỷ đồng, còn lại vốn của thị xã”. Sự quan tâm chưa dừng ở đó, hầu như ngày nào cũng có người dân ra xem cầu Hiệp Trí xây bằng bê tông cốt thép đã đến đâu. Rồi về cằn nhằn sao công nhân ít vậy, sao xây chậm vậy… Rồi ngẩn ra khi đơn vị thi công bảo làm công đoạn dưới nước thường rất lâu. Khi móng trụ xong thì sẽ nhanh thôi. Tiến độ đã cam kết là cầu sẽ xong trong 12 tháng, dù dự kiến là bố trí vốn 3 năm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

du-lnh-n.-lan-2-.jpg
Du lịch biển Tân Hải, La Gi. Ảnh: N.Lân

“Dân ở đây nôn nóng làm cầu cho nhanh để việc đi đứng thuận tiện, nhất là các em học sinh đến trường. Như thằng nhỏ này học lớp 11 ở Trường Nguyễn Trường Tộ, hàng ngày phải chạy 4 km đến trường, trong khi có cầu Hiệp Trí thì chỉ mất vài phút thôi” – ông Thanh nói cặn kẽ thế như thể để tôi hiểu hơn cây cầu này dù là liên thôn thôi nhưng rất cấp thiết với người dân ở đây đến thế nào. Người đàn ông khác bảo nhờ xây lại cầu Hiệp Trí mà giá đất ở đây đang tăng, đến 10 tỷ đồng/sào. Có nhầm không? Mấy người dân với gương mặt đen đúa xôn xao rằng nghe nói thế, rồi tự bắt bẻ nhau chắc là đất ở ven biển dưới kia, chứ đất ở đây có tăng nhưng không tới mức đó. Cũng nghe nói rằng giá đất tăng còn bởi cách 700m tính từ cầu Hiệp Trí về phía biển sẽ có một cây cầu khác bắt qua sông Phan có tên cầu Hòn Lan. Cầu này nằm trong dự án Trục ven biển ĐT 719 đoạn Hòn Lan – Tân Hải do Ban quản lý dự án giao thông tỉnh đầu tư và hiện thị xã La Gi đang làm các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng trong tâm thế nhanh hết sức. Thông tin từ UBND thị xã La Gi cho thấy tuyến đường này mang sứ mệnh kết nối, tác động liên vùng với các tỉnh Đông Nam bộ, khi chính nó được nối dài bằng các tuyến đường tới QL 55 và hòa vào cung đường ven biển ĐT 944 của Bà Rịa – Vũng Tàu đang khởi công với 7.000 tỷ đồng… Thế kết nối ấy giúp La Gi lên thành phố sớm hơn và chính Tân Hải là nơi sẽ đổi thay rõ.

Đứng tại mô đất cao nhất, nơi cầu Hiệp Trí đang thi công, tôi không thể thấy toàn cảnh nơi cuối của sông Phan trước khi chảy ra biển nhưng hình dung 2 cây cầu bắc qua sông sẽ xuất hiện trong năm nay và năm tới sẽ khiến quang cảnh vùng đất xã Tân Hải đẹp hơn nữa. Nơi cuối của sông Phan, con sông được hợp từ nhiều nhánh suối ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh chảy theo hướng nam qua xã Sông Phan tới địa phận thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân rồi đổi sang hướng đông nam và đổ ra biển Đông tại xã Tân Hải, La Gi dài chỉ 55 km nhưng con nước dữ dội không kém. Trong cảnh ấy, Tân Hải chưa thoát cảnh phát triển nông nghiệp kèm nhiều rủi ro từ thiên tai, dù hiện tại xã đã thực hiện và tự đánh giá đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khi giao thông được kết nối thuận lợi như trên, Tân Hải sẽ được khơi dậy tiềm năng vốn có, trước mắt là du lịch, khi kề bên xã Tân Tiến với di tích tâm linh dinh Thầy Thím nổi tiếng, tiếp nối Tân Bình với du lịch ven biển đang hình thành… Xa hơn, một tập đoàn du lịch lớn đang xây dựng dự án với kế hoạch sẽ kéo cáp treo từ chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam) về phía biển thuộc xã Tân Hải tại điểm Gò Đình. Cứ như chuyện cổ tích ấy nhưng nếu thực hiện được thì Tân Hải, nơi cuối của sông Phan cũng sẽ là nơi có dư địa phát triển lớn của vùng Tam Tân, La Gi.

Phóng sự: Bích Nghị