Giảm những tai nạn đau lòng từ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Pháp luật - Ngày đăng : 05:01, 09/07/2024

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 27/6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã giúp cho khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - không lái xe” chính thức được luật hóa.

Tuần qua, tại TP. Vũng Tàu đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng xuất phát từ bia, rượu, và hệ quả của nó đã khiến 2 mẹ con trong một gia đình ra đi mãi mãi. Người vi phạm điều khiển phương tiện qua các kết quả kiểm tra nồng độ cồn đều ở mức độ kịch khung. Vụ tai nạn gây bàng hoàng dư luận; người thì mang nỗi đau mất người thân, người thì sắp tới phải đối mặt với bản án cả về pháp lý và lương tâm. Chúng ta lại một lần nữa giật mình khi thấy hệ quả tàn khốc của việc điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn.

thoi-nong-do-con.jpeg
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Nguyễn Luân

Từ sự việc ở TP.Vũng Tàu, các diễn đàn về xe ô tô trên mạng xã hội đã cùng nhau bàn luận về việc điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia. Và trong những câu chuyện bàn luận ấy, tất cả đều nhắc đến, đồng tình ủng hộ một sự kiện là ngày 27/6 Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đồng tình là hợp lý, bởi thực tế hiện nay tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu, bia vẫn còn phổ biến. Lúc này, ai cũng ước gì thời gian trôi nhanh để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra; trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra. Có thể thấy, vì bia, rượu mà hàng ngàn, hàng vạn gia đình tan nát; người chết, kẻ vào tù, người mang thương tật suốt đời. Vì vậy, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đi vào cuộc sống là đúng và phù hợp với tình hình hiện tại; là biện pháp duy nhất để kéo giảm TNGT, cũng như những sự việc đau lòng liên quan đến bia, rượu. Và tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông, để từ đó tạo nên văn hóa giao thông lành mạnh.

MINH NGHĨA