Biết từ chối khi bị rủ rê hút thuốc

Đời sống - Ngày đăng : 05:05, 09/07/2024

Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng ở giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Nhiều quảng cáo sản phẩm này hướng vào thanh thiếu niên, học sinh - nhóm hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động.

Xu hướng gia tăng giới trẻ

Vào Google gõ từ khóa “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung”… hàng loạt các trang xuất hiện quảng cáo, rao bán sản phẩm này, phổ biến trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Sản phẩm có nhiều hương vị trái cây, hương vị kẹo và món tráng miệng, hoặc kết hợp các hương vị theo lựa chọn của từng người sử dụng để thu hút giới trẻ, đặc biệt thanh thiếu niên. Mỗi sản phẩm thiết kế đa dạng về màu sắc và hình dạng, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi để hấp dẫn giới trẻ. Cụ thể, thiết kế giống như những đồ dùng học tập (bút, USB...), dây đeo cổ, đồng hồ đeo tay, cây son môi… Vì vậy, phụ huynh và giáo viên khó mà nhận dạng được là thuốc lá điện tử.

dsc01627.jpg
Tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá.

Một nghiên cứu cho thấy, trong vòng 6 tháng, mạng xã hội Facebook là kênh tập trung lượng tin bài nhiều nhất với 84.731 tin, bài. Nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các hãng thuốc lá và người bán sản phẩm xem giới trẻ - thanh thiếu niên là những khách hàng tiềm năng. Vì thế, các sản phẩm thuốc lá điện tử theo thị hiếu giới trẻ được sản xuất, tung khuyến mại giảm giá, quà tặng hấp dẫn, ấn tượng nhằm lôi kéo thanh thiếu niên.

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn và trong nhóm có mức sống khá. Trong nhóm học sinh, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng khá cao. Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh hiện rất đáng quan ngại. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh lớp 8 – 12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10 – 12 là 12,6%.

Chọn hình thức truyền thông phù hợp

Thông qua lời quảng cáo của trang mạng về sản phẩm thuốc lá điện tử, thanh thiếu niên tò mò, tự tìm đến sản phẩm thử cho biết. Đồng thời, tin rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể dùng để thay thế thuốc lá điếu thông thường do ít hại hơn. Đây là sự hiểu biết không đúng. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”. Nicotine và nhiều chất hóa học trong dung dịch điện tử, khói thuốc lá điện tử là chất gây hại sức khỏe. Hơn thế nữa, không ít thanh thiếu niên bị bạn bè lôi kéo. Với tâm lý e ngại mất bạn, sợ không hòa đồng với bạn bè, sợ bị cô lập trong nhóm bạn… nhiều thanh thiếu niên bắt đầu dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng sống cũng là yếu tố làm thanh thiếu niên dễ bị bạn bè lôi kéo.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp, hấp dẫn và hiệu quả để tuyên truyền tác hại thuốc lá và các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học; khuyến khích học sinh tham gia, tương tác. Xây dựng góc truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học. Tổ chức ký cam kết không hút thuốc trong trường học. Lồng ghép giảng dạy nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các môn học có liên quan như giáo dục công dân, địa lý, sinh học, công nghệ… Phối hợp với cha mẹ, người thân theo dõi, phát hiện, giám sát học sinh sử dụng thuốc lá.

Yếu tố không kém phần quan trọng là kỹ năng giúp học sinh từ chối sử dụng thuốc lá khi bị bạn bè rủ rê. Các chuyên gia đưa ra một số câu từ chối. Đó là “mình không hút thuốc, với mình sức khỏe rất quan trọng”; “mình mà hút thuốc, ba mẹ phát hiện ngay”; “hút thuốc hôi miệng, chẳng có gì là hay, tốt cả”, “mình hứa với cha mẹ không bao giờ hút thuốc”; “tỷ thí thứ khác ik! xem phim, chơi cờ…. nha!”…

TRANG MINH