Chính sách BHYT đi vào cuộc sống mỗi người dân

Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 05:10, 10/07/2024

Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Độ phủ BHYT tăng từng năm

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Nếu năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, thì đến năm 2015 đạt tỷ lệ 74.87% và năm 2023 đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT).

Mặc dù giai đoạn 2022 đến nay có nhiều khó khăn trong công tác phát triển số người tham gia mua thẻ BHYT do tác động của dịch Covid-19, nhưng diện bao phủ BHYT vẫn tăng hàng năm. Hầu hết các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được tham gia BHYT; được ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn lực khác để đóng, hỗ trợ đóng BHYT.

pt-noi-soi-khop-goi.jpg
Phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, có thẻ BHYT.

Ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Cả nước hiện có gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ Trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập với chất lượng dịch vụ y tế chuyên sâu, hiệu quả giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. 15 năm qua, số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng qua từng năm, với hơn 2.120 triệu lượt người khám chữa bệnh. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng gần 2 lần so với năm 2009. Y tế cơ sở tuyến huyện và tuyến xã chiếm 95% số cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Giai đoạn 2018 - 2023, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng gần 75% trong tổng số lượt. Số chi tại tuyến này chiếm khoảng 34% tổng số chi khám chữa bệnh BHYT. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT ở tuyến đầu, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế.

Quỹ BHYT - nguồn tài chính chăm sóc sức khỏe

Song song với việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT được bảo toàn, tăng trưởng bền vững qua các năm trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường; tối ưu hóa trong sử dụng nguồn quỹ BHYT, cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Cùng thời gian 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám chữa bệnh BHYT. Năm 2023, số chi này khoảng 123 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe người dân.

Quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thông tuyến, tăng mức chi trả

Về mức chi trả, Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã tăng mức chi BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB. Năm 2023, mức chi KCB BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người; nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1,3 triệu đồng/năm.

Với quy định thông tuyến, từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.

Từ những kết quả trên góp phần khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống xã hội và cuộc sống của người dân. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian tới, nhiều giải pháp được tiếp tục triển khai đồng bộ. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cộng đồng.

TRANG MINH