Xem đá banh truyền hình thời bao cấp

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:13, 12/07/2024

Thời bao cấp, thời gian khổ nhất sau giải phóng, nhưng cũng là thời để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Một trong những kỷ niệm ấy là đi xem đá banh trực tiếp trên truyền hình.

Hồi ấy, xem bóng đá không có chuyện cá độ như bây giờ, chủ yếu xem cho đỡ ghiền, xem cho sướng, xem cho thỏa cái háo hức được coi trực tiếp trên ti vi. Đến như ông Bùi Giáng, một nhà thơ điên điên tỉnh tỉnh, cả đời phiêu bồng rong chơi, có quan tâm chi banh, bóng, vậy mà ông cũng phải thốt lên: “Rằng từ ngẫu nhĩ tồn sinh/ Bỗng nhiên trực tiếp truyền hình đá banh” (đúng là xem banh kiểu Bùi Giáng).

1668759130-bong-da-width660height431.jpg

Thời bao cấp tivi rất hiếm, điện đóm lại tù mù. Người có ti vi chưa hẳn đã xem được bóng đá. Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phát sóng, các tỉnh lân cận đâu phải nơi nào cũng xem được. Ở La Gi bắt được đài thành phố chỉ đầu dốc Tân An và khu vực Tân Xuân (Hàm Tân). Loại ti vi trắng đen “nội địa”, màn hình nhỏ xíu, ai sang sắm cái Viêt trô nít. Muốn xem được đài phải bắt ăng ten thật cao, cần ăng ten thường là cây tre dài hàng chục mét, kèm theo bình ắc quy và bộ biến áp, chứ điện nhà máy chỉ 10 giờ đêm là cúp, các vùng nông thôn thì không có điện. Nhà ông Trần Ngọc Phú thường gọi Phú ve chai, ở đối diện đền thờ liệt sĩ hiện nay là điểm xem đá banh đông nhất ở La Gi bấy giờ. Ông Phú, người rất mê bóng đá, tính tình lại cởi mở. Suốt tháng World Cup hoặc Euro ông phục vụ cho người xem đủ tháng. Tầm mười hai giờ đêm, một giờ sáng là người quanh thị trấn kéo đến nhà ông Phú xem bóng đá. Người gần đi bộ, ở xa dưới Phước Lộc, Phước Hội đèo nhau trên xe đạp. Nhà ông Phú có cái sân đất tương đối rộng, chiếc ti vi ông kê cao trong hàng hiên, nên người xem thỏa sức hò hét. Khi ti vi bị mất sóng, màn hình chỉ toàn hạt mè, hạt đậu, cha con ông Phú chia nhau người quay cần ăng ten người dò ti vi tìm sóng. Ti vi bắt được hình, cả đám đông ồ lên như ong vỡ tổ. Xem xong trận bóng trời đã hừng sáng, về nhà chưa kịp cơm nước kẻng hợp tác xã đã keng keng, vậy là cuốc vác vai lên đường đi cuốc đất tập thể. Vất vả như thế nhưng không đêm nào vắng mặt ở sân nhà ông Phú. Hôm nào nhà ông Phú ti vi bị trục trặc thì cả đoàn người kéo nhau lên Tân Xuân, sau này có thêm ti vi bên nhà anh Đặng Đình Cường ở Tân Tạo (Tân An). Dân phố biển La Gi, hầu hết đều khá giả, việc sắm cái ti vi với họ không thành vấn đề, nhưng sắm ra rồi cũng để đó. Nhiều nhà giương cần ăng ten cao ngất ngưởng trên trời, suốt đêm cứ dò đài, với quay ăng ten phờ cả người mà chả xem được gì, nên nhà ông Phú thành cái sân vận động. Xem bóng đá thời bao cấp rất vui, hàng trăm người dán mắt vào cái ti vi trắng đen lớn bằng hai quyển vở, ông cầu thủ thì nhỏ xíu như hạt đậu, hình, tiếng lúc có lúc không. Xem đầu này ráp đầu kia, nhiều lúc banh vào gôn lúc nào không biết, vậy mà cũng hò hét đến khản giọng, cãi nhau vang trời. Bây giờ phương tiện nghe nhìn phát triển vượt bậc. Muốn xem trực tiếp đá bóng nơi nào cũng được. Ti vi màu màn hình phẳng, màn hình cong, điện thoại di động, máy vi tính… gần như nhà nào cũng có. Hình ảnh trung thực, rõ ràng, thuyết minh nghe rang rảng. Nhưng thú thật, xem thì sướng, nhưng không náo nức, không vui, không “máu lửa” như thời bao cấp. Nhiều lúc đến quán cà phê xem để tìm cảm hứng lại gặp toàn dân cá độ, mà cá độ thì chủ yếu thắng thua, chủ yếu kèo dưới, kèo trên, tài với xỉu… Vậy nên mỗi mùa đá banh lại ngồi nhớ về thời bao cấp, nhớ những kỷ niệm vui của một thời gian.

NGÔ VĂN TUẤN