Đêm không ngủ dưới chân núi Bà

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:06, 12/07/2024

Người K’ho ở Bình Thuận sinh sống chủ yếu ở phía Tây Nam của tỉnh như Đông Giang, La Ngâu, La Dạ...

Trước đây dân tộc này sống theo nền văn minh lúa rẫy, trình độ văn hóa không cao nên niềm tin và sinh mạng dựa vào thần linh. Nay mức sống bà con cao hơn nên việc cúng bái các vị thần dần mai một. Thay vào lễ hội xưa người K’ho ở Lâm Đồng tổ chức biểu diễn ca múa nhạc với màu sắc bản địa để phục vụ cho các tour du lịch trong và ngoài nước.

khai-truong-l-.jpg
Khai trương lễ hội. Ảnh: Quỳnh Uyển

Huyện Lạc Dương nằm ở phía Tây Lâm Đồng, nơi có hai dãy núi hùng vĩ đó là ngọn Bidoup còn gọi là núi Ông cao 2287m nằm ở phía Bắc, dãy Langbiang nằm ở phía Nam còn gọi là núi Bà cao 2167m. Từ độ cao của dãy Bidoup- Núi Bà là nơi khởi nguồn hai con sông nhỏ được bộ tộc K’ho đặt tên là sông Cha, sông Mẹ.

Nằm dưới chân núi Bà hùng vĩ là bộ tộc K’ho Lạch, cư dân bản địa của Đà Lạt. Lạch theo tiếng địa phương có nghĩa là “rừng thưa” để chỉ vùng rừng thông và đồi trọc từ dãy Langbiang trải dài xuống hướng Tây Nam. Ngày nay gọi là xã Lát, đây là một trong những buôn làng của bà con gốc Tây Nguyên còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Tên xã Lát nổi tiếng hơn bất cứ địa danh nào ở Lạc Dương, vì người dân ở đây có một cuộc sống kinh tế khá cao bởi nguồn thu kiếm thêm từ văn hóa cồng chiêng kèm theo vũ điệu theo dân ca bản địa và bán thổ cẩm phục vụ cho du khách. Hiện nay tại các buôn Đăng Ya, Đưng, BNeur của xã Lát có tới 12 đội cồng chiêng (mỗi đội có từ 16 đến 20 người) ngoài biểu diễn phục vụ du khách du lịch trong và ngoài nước, còn có mặt trong các lễ hội văn hóa của tỉnh hoặc tham dự các Festival khu vực, đó chính là niềm tự hào chung của người K’ho dưới chân núi Bà.

Sáu giờ chiều theo lời mời của một “ông bầu ca nhạc” người K’ho ở buôn Đăng Ya xã Lát, tôi theo chân hai nghệ sĩ nhiếp ảnh có thương hiệu quốc gia đến nhà ông, ông tên là K’Rajan Tham dân tộc K’ho trên 50 tuổi nằm ở buôn Đăng Ya nơi tổ chức đêm ca nhạc giới thiệu văn hóa bản địa. Ngôi nhà của K’Rajan Tham là một trong những gia đình người K’ho giàu có ở chân núi, anh sở hữu ngôi nhà xây hai tầng đồ sộ, xe hơi 7 chỗ và dàn vi tính 4 chiếc… K’Rajan Tham là bạn thân với 2 nghệ sĩ trên nên được chào đón thân tình như những người thân lâu ngày gặp lại, khi chúng tôi đến, đội cồng chiêng của anh đang chuẩn bị sô diễn 7 giờ đêm phục vụ cho khách cả tây lẫn ta. Nhìn các em nam đóng khố mình trần, đầu mang lông chim, các em nữ mặc váy vai mang gùi đầu kết hoa đi qua đi lại trong sân, bên cạnh đống củi khô dựng đứng bắt đầu nhóm. K’Tham nói với chúng tôi bằng tiếng phổ thông với chất giọng Tây Nguyên: “Mấy đứa này là con cháu mình mà, ban ngày đi làm rẫy, ban đêm đi múa hát. Tụi nó chẳng có đứa nào qua trường lớp âm nhạc hay múa hát gì đâu, chỉ mời thầy tới nhà dạy sơ sơ thôi nhưng làm ăn được lắm, tí nữa mấy ông sẽ thấy”.

Còn 15 phút nữa khách đến, nguyên đội hình cồng chiêng ca múa nhóm K’Tham mặc quần áo trình diễn chạy ra vô rần rật, người chuẩn bị ánh sáng, người lo bưng bê rượu thịt. Dàn nhạc Tơ Rưng, Kơm puốt, xập xòe, trống đại đã bắt đầu khởi động. Trong khán phòng thực ra là ngôi nhà gỗ lợp tôn diện tích 20x30, phía trên đóng la phông giăng đầy hoa giả chi chít như đang đứng dưới một tán cây cổ thụ. Anh con rể của ông bầu K’Tham là K’Gout Huĩn trên 30 tuổi là nhân vật chính, Huĩn có gương mặt điển trai với thân hình chắc gọn như cây xà nu, anh đóng khố mình trần lộ ra nước da màu cà phê đậm, đầu gắn 3 lông chim, trên cổ mang một sợi dây gắn vào đầy nanh heo rừng. Trông anh như một tù trưởng người da đỏ dũng cảm ở hạ nguồn sông Amazon. Đúng 7 giờ khách vào đông đủ ngọn lửa cũng bắt đầu bùng cháy, Huĩn cầm tù và hô bằng tiếng phổ thông “Hỡi núi Ông - núi Bà, sông Cha-sông Mẹ! Hỡi các anh em buôn đông, buôn tây! Tối nay khách về buôn Đăng chúng ta, rượu cần 10 ché, thịt heo 50 xâu, lửa hồng cồng chiêng đầy đủ. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ còn tình của chúng ta, tình của đội cồng chiêng K’Rajan Tham dành cho khách tứ phương. Mời quý ông quý bà đụng tay vào cần rượu!”. Là một MC chuyên nghiệp của buôn làng, K’Huĩn mang ống hút rượu cần có gắn chùm chỉ đỏ cho mọi người sờ thay cho lời mời. Sau tiết mục đụng tay cần rượu, MC tuyên bố theo luật tục của đồng bào K’ho, tay đã đụng cần rượu là trở thành anh em được thần linh làm chứng, chúng ta vui chơi đêm nay. Hỡi âm vang núi rừng cất cao tiếng hát phủ lên ba núi bốn đèo! Lời anh vừa dứt tiếng trống đại mở màn, xập xòe giựt ngang tiếng tù và vang lên được khuếch đại bằng âm thanh điện tử vang lên như hồn của sông của gió núi vọng về. Dưới mái lợp tôn của căn nhà gỗ, đèn điện vụt tắt chỉ còn ánh lửa hồng với tiếng nổ lép bép. Chúng tôi nhận thấy những gương mặt du khách chập chờn tối sáng ngoan ngoãn như giáo dân trước vị tu sĩ khả kính. Sau phần giới thiệu của MC K’Huĩn là chương trình biểu diễn cộng đồng, nhóm cồng chiêng đi trước đội ca múa đi sau theo các điệu chào khách vòng quanh đống lửa trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khách. Đến tiết mục sân khấu, hầu hết các em đều sử dụng âm hưởng núi rừng của nhạc sĩ K’rajan Đick, K’rajan Plin những cây đại thụ âm nhạc tại chân núi Langbiang nhằm giới thiệu văn hóa buôn làng của mình. Trong thời gian xem, khách tự nhiên uống rượu cần và ăn thịt nướng. Trong ẩm thực, các vị khách từ tây đến ta đều được các em, các cháu nữ K’ho xinh đẹp hướng dẫn cách sử dụng một cách chân tình.

Phải gần đến 10 giờ mới xong sô diễn. Các nghệ sĩ chân đất ngày làm rẫy tối đi múa hát nhưng tất cả đều vui. Tôi hỏi Pangtin Sao Linh, một thiếu nữ nghệ sĩ K’ho ở buôn Đăng là bông hoa của Langbiang tối nay: “Ban ngày cháu làm gì? Dạ, trồng khoai tây và trồng cà rốt. Một đêm cháu diễn như thế này kiếm được bao nhiêu tiền - Dạ từ 50 đến 70 ngàn đồng còn được bao ăn cháo gà. Thế cậu K’Tham trả tiền luôn hay đợi cuối tháng - Bà con mà, lúc nào cháu cần thì lấy, chưa cần thì để đó đâu có mất đâu./ Vậy quần áo diễn là của cháu sắm hay của cậu K’Tham - của cậu cũng có của cháu cũng có…”. Cô gái đang còn mang gùi, mang theo những giọt mồ hôi giàn giụa sau đêm diễn, nhưng vẫn còn tiếng cười đặc quánh dành cho chủ và khách.

Đêm cao nguyên lạnh buốt nhưng ông “bầu” K’Tham mình trần trùng trục với thân hình vạm vỡ và màu da cà phê đậm, trên cổ vẫn lủng lẳng nanh heo rừng. Tối hôm ấy, bên thịt gà nướng, chóe rượu cần với ánh đèn cao áp sáng trưng, anh kể cho chúng tôi nghe về những bước đi của văn hóa cồng chiêng ở buôn Đăng Ya và cộng đồng dân tộc K’ho Lạch ở chân núi Bà. Kéo thêm một hơi rượu cần anh cho biết: “Bây giờ bà con ở đây trở nên giàu có không phải chỉ đơn thuần ca múa phục vụ du khách mà còn phải làm vườn trồng rau. Các em các cháu nghệ sĩ chân đất yêu nghề ca múa ở xã Lát phần lớn là muốn giữ văn hóa truyền thống K’ho, giới thiệu quê hương người Lạch và giữ được cái hồn của núi Ông - núi Bà, sông Cha - sông Mẹ”.

Ký sự: trần đại