Bình Thuận thuộc nhóm địa phương giảm trên 45% số người chết vì TNGT

Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 12/07/2024

BTO-Đây là một trong những thông tin được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý III/2024.

Đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì. Tại điểm cầu Bình Thuận, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Hải –Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

z5625746619977_651dcb3463be444bffdf153dc4ed0173.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải –Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở GTVT, Công an tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận. 

Báo cáo tại hội nghị, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 5.343 người chết, 9.552 người bị thương. So với cùng kỳ tăng 1.665 vụ tai nạn giao thông (15,58%), giảm 634 người chết (10,61%), tăng 2.426 người bị thương (34%). Qua điều tra, nguyên nhân dẫn đến TNGT do người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, làn đường chiếm tỷ lệ cao nhất (11,35%), chuyển hướng không chú ý chiếm 7,52%, 3,81% vụ tai nạn xảy ra do sử dụng rượu bia.

Cả nước có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng, có 6 địa phương giảm trên 30% số người chết vì tai nạn. Đặc biệt, Bình Thuận, Cà Mau, Lai Châu là 3 tỉnh đã kéo giảm số người chết vì TNGT giảm trên 45%. Theo đó, Bình Thuận đã xảy ra 300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 74 người, bị thương 286 người. So với cùng kỳ năm tăng 70 vụ (30,4%), giảm 62 người chết (45,6%), tăng 154 người bị thương (116,7%).

202404260412521.jpeg
Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy. 

Để kéo giảm TNGT, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó cơ quan báo chí đã đăng trên 64.000 tin, bài về trật tự ATGT. Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 2.859 vụ/2.950 bị can vì vi phạm về ATGT.

Tham luận tại hội nghị, nhiều địa phương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, song có 2 nguyên nhân chính đó là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề nghị Trung ương ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng và tăng mức xử phạt với những hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là hành vi trực tiếp dẫn đến TNGT.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương những địa phương đã triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATGT và kéo giảm số người thương vong do TNGT. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, đáng lưu ý số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, tình trạng đua xe trái phép còn xảy ra, số người không đủ điều kiện vẫn tham gia lái xe có chiều hướng gia tăng.

Để đạt được mục tiêu kiềm chế TNGT trên cả 3 tiêu chí, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả biện pháp đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó hoạt động tuyên truyền phải nhắm đến đối tượng cụ thể, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, xử lý những bất cập về giao thông; nhân rộng mô hình hiệu quả trong đảm bảo ATGT.

Ngành chức năng và địa phương xác định các nguyên nhân dẫn đến TNGT để đưa ra các giải pháp kéo giảm tai nạn; tập trung xóa các “điểm đen” giao thông, xử lý các bất cập giao thông đường bộ còn tồn tại. Lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp nghiên cứu tăng mức xử phạt và bổ sung hình phạt đối với những hành vi vi phạm theo kiến nghị của các địa phương trong khuôn khổ của Luật Giao thông đường bộ.

LÊ PHÚC