Không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe nòi giống

Đời sống - Ngày đăng : 05:04, 15/07/2024

Việc phòng chống tác hại thuốc lá không phải là việc ngày một, ngày hai. Mà là sự chung tay, chung sức của toàn xã hội thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

10 năm đạt nhiều kết quả

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Từ năm 2015 đến nay đã hơn 10 năm, Bình Thuận triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Trong thời gian này, UBND tỉnh và các ban ngành, đoàn thể, các địa phương luôn đồng hành cùng Sở Y tế tỉnh thực hiện và giám sát hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Các chỉ tiêu ký kết với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) hầu như được hoàn thành. Nhìn nhận khách quan, suốt thời gian qua, Bình Thuận cùng cả nước gặt hái được những thành tựu nhất định. Đó là thông tin của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận.

dsc01625.jpg
Tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá.

Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023 theo điều tra 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng giảm. Trong đó, ở nhóm 13 - 17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; ở nhóm 13 - 15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022). Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể, cả ở các gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, nhiều vấn đề tồn tại cần được khắc phục và giải quyết. Đó là sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể về điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%.

Tuyên truyền, kiểm soát

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tất cả các loại thuốc lá đều có tác hại vô cùng đối với sức khỏe con người. Nicotine có trong thuốc lá có tính gây nghiện cao. Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng sự phát triển não bộ thanh thiếu niên. Điều này gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Phơi nhiễm nicotine gây hại cho sức khỏe bà mẹ,     bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Các dạng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc nung nóng…) mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp; không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến nòi giống.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận khẳng định: Việc phòng chống tác hại thuốc lá không phải là việc ngày một ngày hai. Nếu chỉ ngành y tế thực hiện thì công việc này rất khó làm được. Để đạt hiệu quả cao, tất cả cá nhân, gia đình, tập thể cơ quan đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay, chung sức thực hiện. Trong thời gian tới, là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. Chú trọng các nhóm trẻ tuổi để trẻ không tiếp cận thuốc lá từ sớm và các loại hình thuốc lá mới. Cùng với đó, kiểm soát chặt việc cấp phép bán buôn, bán lẻ thuốc lá; kiểm soát thuốc lá lậu, thuốc lá giả, thuốc lá thế hệ mới. Các hoạt động kinh doanh của quán bar, karaoke, vũ trường, nhà hàng, khách sạn, những địa điểm dễ sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cũng cần được kiểm soát chặt.

Với những người đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc vì trách nhiệm gia đình, cộng đồng, hoặc có hút thuốc thì hút xa nơi đông người. Những người không hút hãy chủ động bày tỏ ý kiến với người hút thuốc trước mặt mình. Từ đó, mỗi người góp một phần xây dựng một thế giới không có khói thuốc độc hại để bảo vệ sức khỏe của nòi giống dân tộc và thế hệ con cháu mai sau.

TRANG MINH