Tánh Linh: Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kinh tế - Ngày đăng : 05:06, 16/07/2024

Ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được huyện Tánh Linh quan tâm thực hiện để góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sinh kế cho bà con…

5 năm gần đây, số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tánh Linh tiếp tục giảm hơn 200 hộ, từ 704 hộ (năm 2019) còn 503 hộ (năm 2024) - tương đương tỷ lệ giảm từ 20,41% xuống 13,8%, trong khi thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm… Những kết quả vừa nêu không phải nổi bật, song là nỗ lực đáng ghi nhận đối với một huyện miền núi như Tánh Linh trong điều kiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn không ít khó khăn. Qua tìm hiểu được biết Tánh Linh hiện có 3.655 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 12,71% so với tổng số hộ toàn huyện, bao gồm 14 dân tộc (Chăm, Ra - glai, Cơ - ho, Chơ - ro, Nùng, Mường, Tày, Thái, Thổ, Hoa, Dao, Khơ - me, Hrê, Ê đê).

xa-la-ngau-tanh-linh-anh-n.-lan-.jpg
La Ngâu - xã thuần dân tộc thiểu số của huyện Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Với đất rừng chiếm 2/3 diện tích huyện Tánh Linh, thế nên đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phụ phẩm lâm nghiệp. Do vậy những năm qua, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hàng tỷ đồng. Nhờ đó có gần 590 hộ được thụ hưởng thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra tại Tánh Linh cũng có 371 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán, duy trì quản lý bảo vệ rừng với diện tích hơn 14.300 ha để tăng thêm thu nhập… Đồng thời kế thừa thành quả đạt được từ Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, đến nay người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tánh Linh vẫn sản xuất ổn định trên diện tích khoảng 2.610 ha. Thực tế cho thấy, hầu hết đất được cấp theo Nghị quyết số 04 được bà con đầu tư trồng cây cao su, điều hoặc các loại cây hoa màu khác để tạo nguồn thu ổn định và cải thiện đời sống.

Cùng với đó, nhiều mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học cũng được địa phương phối hợp tổ chức giúp bà con nắm vững kỹ thuật đã từng bước mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh phối hợp đào tạo, phổ biến một số ngành như xây dựng dân dụng, may công nghiệp… thì địa phương cũng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống (đan gùi, dệt khăn, vót đũa buông) cho lao động nơi đây. Đối với các phòng ban và đơn vị chức năng của huyện cũng tích cực triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Tánh Linh. Qua thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã có hơn 800 hộ được vay tùy theo nhu cầu (tối đa 100 triệu đồng và thấp nhất 50 triệu đồng/hộ), chủ yếu thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo…

Chính quyền địa phương cho biết, việc hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được Tánh Linh tiếp tục ưu tiên triển khai hướng tới khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của huyện miền núi. Từ đó góp phần cải thiện đời sống và nâng cao sinh kế cho bà con, rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so vùng phát triển gắn với tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách và người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tánh Linh, đến nay toàn huyện đã triển khai hỗ trợ cho khoảng 320 căn nhà từ nhiều chương trình (trong đó chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 240 căn, còn lại là các chương trình khác)…

Đ.QUỐC