Chất lượng giáo dục được quan tâm tại phiên chất vấn
Xã hội - Ngày đăng : 12:44, 18/07/2024
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, tình trạng học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học nhưng vì nhiều lý do vẫn được lên lớp, vẫn được đánh giá hoàn thành chương trình.
Có hay không học sinh “ngồi nhầm lớp”?
Chất vấn nội dung này, Đại biểu (ĐB) Lê Minh Tuấn - đơn vị La Gì thắc mắc: “ Có hay không tình trạng học sinh không đủ tiêu chuẩn lên lớp nhưng giáo viên không can đảm cho học sinh ở lại lớp do ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá giáo viên?”
Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trưởng ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh: “Đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chương trình giáo dục đã phù hợp với các em hay chưa?. Việc học sinh ngồi nhầm lớp, tình trạng học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học có yếu tố trong đánh giá để đạt chuẩn nông thôn mới hay không?.Làm thế nào để gia đình, xã hội hiểu được trình độ, năng lực học sinh để có định hướng phù hợp?”
ĐB Đỗ Văn Chung - đơn vị Tuy Phong: “Cần làm rõ tình trạng chạy theo thành tích của một số trường và có hay không việc lấy kết quả thành tích của học sinh để đánh giá chất lượng giáo viên; có tình trạng dạy thêm, học thêm tại các trường hay không và giải pháp để chấm dứt tình trạng này?.
Trả lời những nội dung chất vấn trên, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Hiện tượng ngồi nhầm lớp là cá biệt, vì ở tỉnh chưa có những ngôi trường chuyên biệt dành cho các học sinh có bệnh ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu. Thêm nữa, tại các xã xây dựng nông thôn mới không có nội dung về đánh giá chất lượng giáo dục mà chỉ đánh giá về xây dựng cơ sở vật chất, phổ cập giáo dục tiểu học. Thời gian qua, tình trạng dạy thêm, học thêm được ngành giáo dục tỉnh tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những trường hợp dạy thêm học thêm ngoài nhà trường không đúng quy định.
Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát chất lượng giáo dục học sinh tại các cơ sở giáo dục chưa được thường xuyên. Tình trạng điều chuyển giáo viên chưa cân đối, hợp lý tại cơ sở giáo dục, dẫn đến thừa/thiếu giáo viên cục bộ.
Một số cơ sở giáo dục giao chỉ tiêu thi đua đối với giáo viên, trong đó có chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình lớp học cuối năm. Một số ít giáo viên chưa xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đánh giá, xếp loại chất lượng giáo dục học sinh trong lớp và công tác nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Mặt khác, một số cha mẹ ít quan tâm đến việc học tập của con em mình, nhất là cha mẹ học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn khoán trắng cho nhà trường, xem việc giáo dục học sinh là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường. Một số học sinh năng lực học tập còn hạn chế, chưa siêng năng, chăm chỉ trong học tập, nhất là học sinh khuyết tật khó hòa nhập....
Trách nhiệm thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan như Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục.
Cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị vùng dân tộc thiểu số
Quan tâm chất lượng đào tạo tại vùng dân tộc thiểu số, ĐB Huỳnh Thị Hoa - đơn vị La Gi đề nghị, Sở GD&ĐT cần cung cấp số liệu cụ thể về tỷ lệ học sinh vùng dân tộc thiểu số ngồi nhầm lớp. Xác định nguyên nhân chính học sinh ngồi nhầm lớp để có giải pháp cần thiết. Về khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên, đề nghị Sở Nội vụ có giải pháp tháo gỡ khó khăn; giám sát chặt chẽ tình trạng điều chuyển giáo viên để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
ĐB Thanh Thị Kỷ - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn: Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư một nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các cấp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên thực trạng hiện nay, nhất là vùng đồng bào Chăm, vùng cao, miền núi còn thiếu thiết bị dạy học. Cần đầu tư sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trả lời những nội dung chất vấn trên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Từ năm học 2024-2025 Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức quản lí, giáo viên; tiếp tục thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên môn theo thẩm quyền nhằm đánh giá đúng thực tế chất lượng giáo dục học sinh. Chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục tại địa phương thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương trong việc thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo quy định Luật Giáo dục 2019. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tạo sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh và cộng đồng...
Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Thái Dương trả lời bổ sung: Hàng năm trước khi vào năm học các địa phương sẽ tổng hợp số học sinh trên lớp, số lớp dự kiến báo về cơ quan chủ quan, từ đó tính toán ra số giáo viên đứng lớp. Từ đó, Sở Nội vụ phối hợp với cơ quan chủ quản tính toán đủ giáo viên đứng lớp. Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, không có trường hợp nào thiếu giáo viên, thiếu chỉ tiêu giao đến từng trường, từng lớp học là đầy đủ. Việc thiếu giáo viên theo phản ánh không phải thiếu chỉ tiêu mà thiếu nguồn giáo viên. Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Có 2 kênh tuyển dụng giáo viên cho các bậc học: Sở GD&ĐT tuyển dụng giáo viên cho bậc THPT và UBND TP, huyện, thị xã tuyển dụng giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, THCS. Việc điều chuyển bố trí giáo viên tuỳ theo điều kiện thực tế của từng địa phương để điều chuyển khác nhau.