Vì sao nhiều đề tài khoa học công nghệ gây lãng phí, chưa hiệu quả?
Xã hội - Ngày đăng : 14:30, 18/07/2024
Xác định thực trạng
Tại phiên chất vấn vào sáng ngày 18/7, ông Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Nội dung chất vấn đề cập các vấn đề đang nổi lên, cụ thể theo Đại biểu (ĐB) Lê Nghiễm Vi, xuất phát từ yêu cầu đầu tư phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh, hàng năm, rất nhiều đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh trở lên được triển khai nghiên cứu bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị tiếp nhận thì không triển khai ra thực tế được hoặc triển khai không hiệu quả. Điều này, một mặt gây lãng phí, mặt khác thể hiện tính chưa hiệu quả và những hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học ở từng cấp, từng ngành nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân chính của thực trạng này? Trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp trong thời gian đến?
Trả lời trực tiếp tại nghị trường, ông Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện 45 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh (trong đó có 41 đề tài, 4 dự án). Đến nay đã có 28 nhiệm vụ được đánh giá nghiệm thu, 2 nhiệm vụ bị thanh lý hợp đồng thu hồi kinh phí theo quy định và 15 nhiệm vụ đang trong thời gian triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ đều được bàn giao kết quả thực hiện cho các cơ quan, đơn vị để ứng dụng trong thực tiễn. Nhất là các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã được ứng dụng. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn đã được ứng dụng để xây dựng thành các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian cho 4 dân tộc tiêu biểu được Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh ứng dụng và biểu diễn; mô hình bảo tồn và khai thác các tài sản sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực ẩm thực Bình Thuận và đặc sản quà tặng vẫn được duy trì và phát triển…
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc tác động của các kết quả nghiên cứu khoa học đều có độ trễ nhất định. Đơn cử, năm 2014 đề tài cấp tỉnh “Đặc điểm khí hậu thủy văn tỉnh Bình Thuận” được nghiệm thu và bàn giao cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên việc ứng dụng, hiệu quả của đề tài thì phải mất vài năm và thậm chí đến nay đề tài vẫn phát huy tác dụng.
Chất vấn thêm về nội dung này, ĐB Thanh Thị Kỷ quan tâm đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực truyền thống văn hóa dân tộc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua. Theo đó, việc phản biện đề tài lĩnh vực này, cơ quan chủ quản cần quan tâm về các đối tượng mời tham gia phản biện, thẩm định đề tài, đảm bảo các đối tượng đó am hiểu về nội dung, đề tài liên quan để phân tích và đưa ra các giải pháp, triển khai thực tế hơn trong đời sống.
“Phải xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”
ĐB Hoàng Thanh Liêm có ý kiến thêm, Đảng ta xác định, cùng với giáo dục đào tạo thì khoa học công nghệ là một trong những quốc sách hàng đầu. Như vậy, đối với tỉnh ta, vị trí của khoa học công nghệ đã được xem là quốc sách hàng đầu chưa? Nếu chưa thì giải pháp nào được đề ra trong thời gian tới?
Phản hồi thêm về vấn đề này, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp. Trong thời gian đến sẽ có nghiên cứu, tham mưu để mà tham mưu tỉnh triển khai nhiệm vụ. Qua đó để làm căn cứ xây dựng các phương án, kế hoạch để triển khai. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp về kinh phí và nguồn nhân lực phù hợp để đảm bảo phát huy và tăng cường hiệu quả ứng dụng. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian qua cơ bản đều được thực hiện thông qua phương thức tuyển chọn tổ chức cá nhân thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và lựa chọn được đơn vị phù hợp để chủ trì thực hiện nhiệm vụ...
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan trả lời các đại biểu thêm bằng văn bản. Mục đích chung là xác định rõ thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế (nếu có). Qua đó, thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới. Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và sự phát triển của tỉnh Bình Thuận, phải xác định khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”.
Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tế địa phương, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành và địa phương; trong đó, phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Sở Khoa học và Công nghệ trong tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong việc tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức của tỉnh trong tham gia, phối hợp nghiên cứu, phản biện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính nhiệm vụ khoa học công nghệ; xác định các dự án, chương trình khoa học công nghệ phù hợp định hướng phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương để phát huy hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách đã đầu tư; không thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ thiếu tính khả thi.
Song song, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học; đầu tư ngân sách để phát triển khoa học công nghệ và nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, kiến nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.