Những người mẹ của những anh hùng biển cả
Chính trị - Ngày đăng : 10:03, 14/03/2019
Mẹ Hà Thị Liên, 87 tuổi từ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khóc bên di ảnh con trai, Liệt sĩ Đào Kim Cương.
Đêm đêm mơ thấy con về
Một ngày trung tuần tháng ba, chúng tôi về vùng đất anh hùng nằm bên dòng sông gió cát Gianh Quảng Bình, nơi sinh ra người con cách mạng Trần Văn Phương - người anh hùng của biển cả với câu nói nổi tiếng “Hãy để cho máu tô thắm cờ truyền thống của quân chủng Hải quân anh hùng” trong trận “hải chiến Trường Sa”. Bên hiên căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm nhỏ, trước mắt tôi là hình ảnh người mẹ già, khuôn mặt phúc hậu ngồi bần thần, mắt ngấn lệ đang nhìn về phía biển cả. Nghe tiếng khách lạ, mẹ Đức hỏi: “Đồng đội thằng Phương phải không con?”. Rồi bà nhắc lại: “Gần đến ngày giỗ rồi. Mới năm ngoái, giờ đã đến”.
Chị Trần Thị Thủy (con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, thứ hai từ trái qua) đi đón linh hương ba từ biển Cam Ranh.
Mẹ Đức nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện. Bà mời tôi vào nhà. Căn nhà của người mẹ lính đảo mọi vật dụng đều khiêm nhường giản dị. Giữa phòng khách là nơi thờ tự liệt sĩ Trần Văn Phương. Tôi xin phép mẹ Đức thắp cho anh Phương nén hương với tư cách một người đồng đội. Khi khói hương lan tỏa, cũng là lúc mẹ Đức khóc. Giọng bà nghèn nghẹn: “Ngày mô tui cũng thắp hương cho nó. Tui vẫn hằng mong có một phép nhiệm màu nào đó nó sống trở về”. Khi tôi hỏi, “Bà còn giữ kỷ vật nào của anh Phương không?”. Mẹ Đức đến bên bàn thờ, vừa đi bà vừa phân trần: “Hôm nớ, tui đang nằm, không biết răng mà ruột gan nóng như lửa đốt, vừa bật dậy thì có người đến nói là có thư của thằng Phương gửi về. Đọc xong thư, cả nhà như chết lặng. Tui linh cảm chẳng lành”.
Mẹ Đức đưa cho tôi xem lá thư của liệt sĩ Phương gửi về từ Cam Ranh đề ngày 8/3/1988. Lá thư nhiều chỗ bị ố nhòe ngả màu vàng theo thời gian có đoạn: “…Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ. Mạ ở nhà giữ gìn sức khỏe nhá. Ra đảo xong rồi con trở về”. Bà bảo với tôi: “Con biết răng không, thằng Phương còn dặn tui ni này: “Trước lúc ra đi con chỉ dặn bọ mạ như thế này. Khi bọ mạ nhận được bức thư này thì bọ mạ không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và bọ mạ cũng đừng trông thư con nữa”. Lúc nhận thư này, tui đã có linh cảm chẳng lành, bởi thông thường sau khi gửi khoảng 7 ngày gia đình mới nhận được thư, nhưng lá thư này chỉ mới 3 ngày đã nhận được. Ai ngờ nó đi bỏ xác ngoài biển”.
Mẹ Đức nước mắt lưng tròng nhìn lên di ảnh con. Bà quay lại nói “Ngày còn sống, thằng Phương rất thương tui. Ngày nhỏ nó ngoan lắm. Là anh cả của ba người em, việc mô cũng đến tay nó. Tết năm 1988, nó về ăn tết với gia đình đến mồng 10 tháng giêng thì lên đường trở lại đơn vị. Lúc đi nó cứ dặn đi dặn lại với tui là ba má ở nhà nhớ cắt tóc (thân cây lúa-PV) phơi khô, ra chuyến này đến kỳ nghỉ phép con về tranh thủ kẹp tranh để sửa lại mái nhà cho ba má kẻo ở như rứa mưa dột tội lắm. Ai ngờ dự định chưa thành thì nó đã hy sinh. Đêm đêm mơ thấy con về”. Mẹ Đức khóc. 31 năm trước, mẹ khóc khi nhận được tin anh Phương hi sinh. Sau 31 năm, mẹ khóc trong niềm thương nhớ con chưa dứt
Lá thư con là xương cốt mẹ
Ngày 14/7/2017, Tượng đài Gạc Ma chính thức được đặt tên và khánh thành với tên gọi khu tưởng niệm những người nằm lại phía chân trời” tại bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa. Trong buổi khánh thành ấy, có hàng trăm thân nhân của 64 liệt sĩ Gạc Ma và hàng ngàn người dân huyện đảo Cam Ranh đến đón xương cốt 64 liệt sĩ về lòng đất mẹ, trong đó có những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma. Người đem lá thư ngả màu vàng ố, người đem đôi dép, người đem ba lô, tất cả đều là di vật của con họ còn sót lại.
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” tại bán đảo Cam Ranh Khánh Hòa.
Mẹ Trần Thị Huệ đến từ Đà Nẵng. Mẹ đem theo lá thư của con trai - liệt sĩ Lê Thế để tặng cho phòng lưu trữ di vật liệt sĩ Gạc Ma trong khu tưởng niệm. Mẹ không nhớ bao lần khóc mỗi lần đọc thư con, song có một điều luôn ray rứt chưa bao giờ nguôi trong tâm mẹ là được nhìn thấy nắm xương cốt của con dù chỉ là mảnh san hô đem về từ biển.
Khi ban tổ chức mời mẹ Huệ lên sân khấu trao di vật cho nhà lưu niệm, Mẹ Huệ tay run run đưa lá thư lên ngực như ôm con mình lần cuối. Nước mắt lưng tròng, mẹ nói với chúng tôi: “Tui giữ lá thư này và coi đó như xương cốt thằng Thế. Rất nhiều người đến xin, nhưng nay tui mới trao. Con trai tui được về đây rồi, phần nào cũng đỡ đau xót hơn”.
Mẹ Huệ kể, ngày anh Thế tạm biệt gia đình đi đảo Gạc Ma mới 23 tuổi. Sau hơn 1 tháng nhập ngũ thì Mẹ nhận được lá thư anh gửi về từ một đồng đội. Trong thư anh Thế kể về chuyến đi biển trên tàu hải quân bị say sóng và hỏi thăm sức khỏe cả nhà. “Trong thư, nó cứ dặn đi dặn lại má giữ gìn sức khỏe, con sẽ về. Ai ngờ đâu chỉ ít ngày sau tui nhận được tin nó hi sinh ngoài Gạc Ma”. Mẹ Huệ khóc. Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt gầy của người mẹ nghèo gần tuổi 70.
Tôi hỏi “Từ ngày anh Thế hi sinh rồi, giờ má còn nhớ khuôn mặt anh Thế không?” mẹ Huệ ngậm ngùi: “Làm sao mà quên được. Thằng Thế có tật nhỏ ở mắt trái nên đi khám nghĩa vụ mấy lần không đậu. Nó cứ nằng nặc đòi đi bộ đội nên tui đã đưa nó đi phẫu thuật đó chớ. Nó hoạt bát lắm. Ngày trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nó ôm vai tui bảo “nhất định con sẽ trở về”. Ai nghờ đâu nó lại hi sinh”. Thêm một lần nữa mẹ Huệ rơi nước mắt
Dòng máu Trường Sa
Câu chuyện về liệt sĩ Trần Văn Phương thực sự làm tôi rơi nước mắt, khi gặp người con gái của liệt sĩ - chị Trần Thị Thủy tại ngày khánh thành tượng đài Gạc Ma ở bán đảo Cam Ranh Khánh Hòa. Trong thâm tâm đón ba về lòng đất mẹ sau 31 năm lạnh cóng dưới tầng biển sâu, chị Thủy cứ nghẹn ngào rơi lệ. “Anh biết không, khi ba em ra Trường Sa rồi hy sinh tại Gạc Ma mà không hề biết mẹ em có thai ngay sau lần ba về nghỉ phép Tết 1988. Cuối năm này, mẹ em sinh em”, chị Thủy, kể lại.
Thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Lớn lên không có ba. Mỗi lần con gái hỏi ba, bà Nguyễn Thị Hoa (vợ liệt sĩ Phương) lại bảo “Ba công tác ngoài Trường Sa”, nhưng không thể dấu con mãi được. Cuối cùng bà cũng nói cho con gái biết: “Ba Phương hi sinh dưới họng súng quân thù ngoài đảo Gạc Ma”
Thấu hiểu được sự hi sinh của ba, càng lớn Thủy càng thấy hai chữ Trường Sa gần gũi như máu thịt của mình. Ngày tốt nghiệp ra trường, Thủy nói với mẹ sẽ viết đơn xin vào đơn vị của ba. Bà Hoa gật đầu ngấn lệ. Đơn tình nguyện Thủy viết: “Cháu muốn tiếp bước cha của cháu đã bảo vệ Trường Sa. Máu ba cháu đã hòa lẫn nước biển Trường Sa. Cháu mang dòng máu Trường Sa vì ba cháu nằm lại nơi ấy”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy bắt xe đò từ Quảng Bình vào Lữ đoàn 146 Hải quân xin gặp các bác, các chú – đồng đội của ba để vào bộ đội. Thủy muốn làm một việc gì đó nối tiếp con đường mà ba chị đã chọn. Các đồng đội của anh Phương đã giúp Thủy toại nguyện ước mơ. Tháng 10/2009, Thủy được nhận vào làm việc tại Lữ đoàn 146 Hải quân với chức vụ văn thư bảo mật.
Lần đi thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 trên con tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân, tôi tình cờ gặp Thủy. Đôi mắt chị lúc nào cũng đỏ hoe, nhất là khi đoàn công tác thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa trên vùng biển Cô Lin. Chị Thủy khóc nghẹn khi loa của tàu HQ-936 phát bản truyền thanh nội bộ, kể về gương anh dũng hi sinh của 64 cán bộ chiến sĩ trên rạn đá sạn hô Gạc Ma. Cầm bông huệ trắng thả xuống biển, chị Thủy nghẹn ngào, nước mắt tràn mi: “Ba ơi, con đến thăm ba đây. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai kể từ ngày ba hi sinh. Mong linh hồn ba yên nghỉ vĩnh hằng. Ba ơi, con đã đến nơi ba nằm xuống”. Trời bỗng dưng nổi giông gió. Cơn mưa biển như trút nước cũng không ngăn được những bước chân của hơn 100 thành viên. Tất cả lặng lẽ cầm hoa huệ trắng, đến bên mạn tàu thả xuống lòng biển cùng lời tiễn biệt.
Sau những phút giây xúc động, Thủy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “con mồ côi ba” từ mẹ cô kể lại. Thủy khóc. Nước mắt của con gái người anh hùng đất Quảng nén chặt vỡ òa trong nỗi đau.
Mai Thắng