Phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ để phục vụ sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 09:49, 09/04/2020
Toàn tỉnh hiện có gần 300 công trình thủy lợi với tổng dung tích hồ chứa lên đến hàng trăm triệu m3, ngoài ra dung tích các ao, bàu nhỏ khoảng 20 triệu m3, tạo ra tổng năng lực thiết kế tưới 53.340 ha. Có nước, nhiều cánh đồng trước đây phụ thuộc vào mùa mưa giờ đã tăng thêm 2 - 3 vụ lúa/năm. Nhiều vùng đất khô cằn ở huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình nhờ có nguồn nước thủy lợi nay đã bạt ngàn thanh long và cây ăn trái… Những năm gần đây, Bình Thuận được đánh giá là có nền kinh tế nông nghiệp phát triển khá mạnh và đa dạng các loại cây trồng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của địa phương bởi hệ thống các công trình thủy lợi như: công trình thủy lợi Sông Quao, công trình thủy lợi Tà Pao, đầu tư các tuyến kênh để tận dụng nguồn nước sau Thủy điện Ðại Ninh, hồ chứa nước Sông Dinh 3, Sông Móng… Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng ở Bình Thuận không chỉ giúp sản xuất nông nghiệp phát triển mà còn là nguồn cung cấp nước chính cho các đô thị trong tỉnh. Ngoài ra, Bình Thuận còn phải tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quý giá này trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, Bình Thuận có 7 lưu vực sông chính, với tổng diện tích gần 10.000 km2 và tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 5,4 tỷ m3. Khi đã có những công trình thủy lợi lớn, việc chuyển nước lưu vực để đưa nguồn nước đến những khu vực khô hạn lại là một bài toán khó. Biện pháp chính là đào hệ thống kênh nối mạng để nối liền giữa các lưu vực. Thực tế cho thấy, đây là biện pháp hữu hiệu, khả thi và mang lại hiệu quả cao nhất trong phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ ở Bình Thuận trong những năm gần đây. Cứ thế, các công trình thủy lợi nhỏ tiếp nối công trình nên nhiều vùng đất khô hạn của tỉnh đã bớt “khát” hơn.
Tuy nhiên, nguồn vốn để tiếp tục thi công các công trình chuyển tiếp, đầu tư các dự án thủy lợi mới vẫn là vấn đề nan giải nhất hiện nay để cân đối nguồn nước từ các công trình thủy lợi lớn và các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh. Để tháo gỡ bài toán khó đó, tỉnh đã đề ra kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ đến năm 2020. Theo đó, bên cạnh việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng sẽ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đồng bộ nhằm khai thác, tận dụng tốt nhất nguồn nước hiện có để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng thêm diện tích tưới chủ động, thúc đẩy quá trình thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Tạo sự chuyển biến nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng mới khoảng 164,5 km kênh nội đồng, phấn đấu tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới 5.270 ha. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã huy động sức dân để thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, công trình do dân quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng, người dân hiến đất xây dựng công trình cònnhà nước hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả từ các công trình thủy lợi đã đượcnhà nước đầu tư, tập trung ưu tiên làm các kênh mương nội đồng, đập dâng nước ở những vùng có nguồn nước bổ sung ổn định nhằm từng bước làm thay đổi tình hình sản xuất, từ sản xuất không ổn định, bấp bênh sang sản xuất ổn định thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sử dụng đất.
Từ những công trình hiện hữu này sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, đồng thời tỉnh sẽ tiếp tục triển khai một số công trình, dự án thủy lợi nhỏ để tận dụng, bổ sung, điều phối nguồn nước hợp lý, giải quyết tình trạng hạn hán cục bộ trên địa bàn tỉnh…
THANH QUANG