Tết đến coi chừng cướp - trộm

Pháp luật - Ngày đăng : 08:52, 07/01/2016

BT- Tết Bính Thân (2016) đang đến gần, người dân cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái tết thật đầm ấm. Nhưng đây cũng là thời gian mà bọn trộm, cướp tăng cường hoạt động, lợi dụng sơ hở của người dân để ra tay.
                
      
Những việc làm như bỏ điện thoại vào túi    quần lộ ra ngoài là nguyên nhân của nhiều vụ cướp giật.

Không nên “khoe” tài sản…

Đi trên đường không khó phát hiện không ít người vừa điều khiển xe máy vừa nghe điện thoại. Điện thoại thông minh hiện nay rất phổ biến, đặc biệt với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, điện thoại thông minh thường có thiết kế  lớn, khó bỏ vào túi quần. Với quần Jean thì điện thoại thông minh khó bỏ vào túi trước. Vì vậy, nhiều người đã bỏ điện thoại vào túi quần sau. Khi ngồi lên xe máy, điện thoại lộ ra ngoài. Đây chính là đối tượng mà bọn trộm cướp thường nhắm tới. Cùng với đó, việc vừa đi xe máy vừa nghe điện thoại, đeo dây chuyền vàng nhưng để lộ ra ngoài cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị cướp giật. Điện thoại hiện là mặt hàng rất dễ tiêu thụ nên bọn cướp thường chọn đây là mục tiêu để ra tay.

Liên tiếp trong các ngày của đầu tháng 10/2015, trên địa bàn huyện Đức Linh xảy ra hàng loạt các vụ trộm, cướp giật tài sản. Bọn trộm cướp ra tay với thủ đoạn manh động, liều lĩnh khiến người dân hoang mang. Công an huyện Đức Linh đã triển khai lực lượng truy bắt và chỉ trong 10 ngày đã điều tra làm rõ 4 vụ cướp giật, 10 vụ trộm cắp tài sản, bắt 5 đối tượng, thu hồi 9 xe máy, 2 sợi dây chuyền vàng, 2 điện thoại di động và một số tài sản khác. Ngày 7/10/2015, tại xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, xảy vụ cướp giật dây chuyền vàng, khi bị bắt, đối tượng Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1995) trú tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh còn thừa nhận trước đó đã thực hiện trót lọt 3 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn huyện. Trong vụ án xảy ra tại xã Sùng Nhơn, đối tượng Nguyễn Đức Tài đã liều lĩnh dùng dao khống chế cướp dây chuyền vàng 1,5 chỉ vàng 18k của người dân.

 Cẩn tắc vô áy náy

Theo Công an tỉnh, bọn cướp giật thường đi theo nhóm từ hai tên trở lên. Chúng thường sử dụng những loại xe máy đã được đôn dên, xoáy nòng… chạy quanh các tuyến đường để tìm người chạy xe máy có mang tài sản và đeo bám. Đợi đến địa điểm thuận lợi, tên điều khiển xe sẽ tăng tốc độ áp sát xe nạn nhân để tên ngồi sau giật tài sản. Hầu hết các vụ cướp giật đều xảy ra vào khoảng thời gian nhất định (buổi trưa: từ 11h đến 13h; buổi tối: từ 17h đến 19h). Bọn cướp hay chọn khoảng thời gian này để “ra tay”, vì đây là khoảng thời gian mà người dân nghỉ ngơi cũng như các lực lượng nghiệp vụ thay ca nên ít người tham gia giao thông.

Khi tham gia giao thông, người dân không nên treo giỏ xách, tài sản ở tay lái hay khoác lên vai. Với những xe có cốp thì nên bỏ tài sản vào đó hoặc đeo phía trước người để kịp phản ứng khi có đối tượng muốn cướp tài sản. Người dân cũng không nên dừng, đậu xe nơi vắng, tối. Nếu phải đi qua những khu vực như vậy nên đi từ 2 người trở lên. Khi đi trên đường, nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn như nhìn ngó, chạy kè theo xe mình thì chạy chậm sát vào lề đường hoặc tấp xe vào nơi an toàn có đông người. Không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường, vì vừa  tạo điều kiện cho bọn tội phạm vừa vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khi rút tiền từ các ngân hàng và trụ ATM nên có người đi cùng và chú ý quan sát, cảnh giác khi rời khỏi các địa điểm này. Khi bị cướp giật, nên tri hô để những người xung quanh hỗ trợ, đồng thời cố gắng ghi nhớ nhận dạng của đối tượng, loại xe, biển số xe và đến ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo vụ việc…

Người dân cũng cần xem xét lại cửa sổ và cửa ra vào của nhà mình và gia cố lại những vị trí đã xuống cấp. Nếu có điều kiện, người dân nên lắp đặt hệ thống camera giám sát, khi ra khỏi nhà phải khóa cửa cẩn thận và nên gửi hàng xóm coi dùm.

Thời điểm gần Tết Nguyên đán là thời điểm mà bọn trộm cướp gia tăng hoạt động. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng thì người dân cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn tài sản của mình.

Nguyễn Luân