Chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa hè
Đời sống - Ngày đăng : 05:03, 19/07/2024
Số ca mắc có xu hướng giảm
Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng. Đồng thời, các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin xuất hiện rải rác. Tình hình thời tiết chung của cả nước đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều. Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao bởi hiện đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024. Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao; nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vắc xin và sốt xuất huyết đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm- đó là thông tin của Bộ Y tế.
Tại Bình Thuận, tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 5/2024 có xu hướng giảm so với tháng 4, nhưng số ca mắc bệnh vẫn còn cao, diễn biến phức tạp trên toàn tỉnh. Cụ thể, 393 trường hợp mắc cúm, tăng 3,4% so với tháng 4/2024, giảm 11,7% so cùng kỳ năm 2023; 20 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 3 ca so với tháng 4/2025; 1 ca mắc quai bị tăng so với tháng 4/2025… Số bệnh nhân mắc sốt rét trong tháng không tăng, không giảm so với tháng trước. Bệnh sởi ghi nhận 3 ca mắc. Bệnh tay chân miệng có 86 ca mắc, tăng nhanh so với tháng 4/2025, và có xu hướng tăng nhanh trong những tháng sắp tới. Riêng bệnh sốt xuất huyết là 55 ca mắc, 5 ổ dịch trong tháng. Tổng số ca mắc tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 670 ca, thì có 21 ca nặng, 67 ổ dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhận định: Các bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất như sốt xuất huyết, thủy đậu, quai bị… có xu hướng giảm. Bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, thì toàn tỉnh ghi nhận 1 ca mắc bệnh ho gà tại Bắc Bình. Trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát, truyền thông về dịch bệnh… không để dịch lây lan trên diện rộng. Dự báo, tình hình bệnh sốt xuất huyết có thể tăng rất nhanh trong những tháng sắp tới, đặc biệt vào mùa mưa.
Các biện pháp phòng chống dịch
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn mùa hè.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai tiêm chủng mở rộng thường xuyên cho trẻ đảm bảo an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích tiêm vắc xin phòng bệnh với phụ nữ mang thai.
Mỗi người dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy” tại gia đình. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Song song đó, các cơ sở y tế sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tham gia giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch.