Kỳ thi và tên gọi văn bằng

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:27, 19/07/2024

Hôm chấm xong bài thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, một thầy giáo thân quen gặp tôi trong quán cà phê, ngồi nói chuyện về kỳ thi cuối cùng của chương trình 2006.

Thầy nói, sang năm 2025, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung đề thi sẽ khác. Nếu như năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức thi tốt nghiệp lần hai như thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân năm 2008 dành cho những thí sinh rớt tốt nghiệp lần một hoặc chưa thể dự thi lần một thì hay hơn. Còn bây giờ, những học sinh thi rớt và những học sinh chưa đủ điều kiện thi tốt nghiệp, trong vòng một năm tới, khó theo nổi chương trình và nội dung sách giáo khoa mới để ôn thi! Mà những học sinh ấy là những em học lực yếu. Thầy ngừng lại một lát rồi cười: Cái bằng tốt nghiệp phổ thông bây giờ mang tính phổ cập, giáo viên chấm thi đều biết điều đó. Việc tiếp tục đào tạo học sinh có chất lượng cao thì cứ tổ chức thi đánh giá năng lực tuyển sinh vào đại học như vừa rồi. Còn đánh giá công nhận kỳ thi thi tốt nghiệp cuối cấp nên giao về cho địa phương.

screenshot_1721341866.png

Anh lại chuyển sang nói về giá trị và tên gọi cái bằng tốt nghiệp phổ thông. Nhớ hồi năm 1997, Bộ GD&ĐT đặt lại tên kỳ thi là Tú tài và cấp bằng Tú tài. Đâu vài năm lại đổi tên gọi thành kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), đến năm 2015 gọi kỳ thi THTP Quốc gia, từ năm 2020 đến nay trở lại tên gọi kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Không rõ đổi tên gọi kỳ thi liên tục như thế có ý nghĩa và giá trị như thế nào, phụ huynh hỏi giáo viên tụi tôi cũng chả biết. Rồi xoay sang tôi: Anh thấy sao? Tôi nói, anh hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai bây giờ! Sao không hỏi trực tiếp Bộ GD&ĐT? Anh nói mình giáo viên có điều kiện đâu mà hỏi. Nhưng sao không giữ cái tên kỳ thi Tú tài cho nó sang trọng hơn nhỉ? Nghe anh hỏi, gợi tôi nhớ lại năm 1974, tôi dự thi kỳ thi Tú tài cuối cùng ở miền Nam của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Từ tú tài xuất hiện khá sớm bên Tàu, thời xưa họ gọi những người đi học đều là tú tài. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh ghi tú tài là: Người thi Hương đậu hạng cuối. Nghĩa là thi Hương không trúng kỳ phúc hạch mà được phân số điểm khá thì đỗ Tú tài – còn gọi là Sinh đồ (dân gian quen gọi là ông Đồ, hoặc ông Tú). Cụ Trần Tế Xương hồi ấy cũng chỉ mới Tú tài. Nhưng do đặc điểm lịch sử, gắn với thực trạng xã hội, cái danh xưng tú tài có giá trị khác nhau theo từng thời kỳ. Thời xưa những người được gọi Tú tài có địa vị cao trong xã hội. Ở các địa phương, họ không chỉ là những người có kiến thức phong phú giữ nhiệm vụ truyền bá tri thức mà còn là những tấm gương đạo đức tốt và ý thức trách nhiệm cao với xã hội (1). Nho sinh thời ấy rất được công chúng quý mến, sang trọng lắm, nên những ông thầy càng được kính trọng hơn.

Ngày xưa cũng như bây giờ, hệ thống thi cử của triều đình được điều chỉnh liên tục, nhưng trình độ kiến thức tú tài được xem là cấp độ cơ bản nhất. Muốn tham gia khoa thi cấp cao hơn của triều đình để tranh giải trạng nguyên – bảng nhãn – thám hoa, trước tiên phải trở thành tú tài (2). Ở Việt Nam, danh từ Tú tài I và Tú tài II lần đầu tiên được dùng vào thời Pháp thuộc. Tháng tám năm 1928, Nha học chính Đông Dương mở kỳ thi Tú tài I đầu tiên. Sang năm sau, vào tháng chín 1929 thì tổ chức kỳ thi Tú tài II. Văn bằng lấy mẫu tự tiếng Pháp – chuyên ngữ, Baccalauréat Première Partie và Deuxième Partie, còn tiếng Việt thời ấy là ngôn ngữ phụ. Đến năm 1945, vua Bảo Đại mới ra đạo luật dùng chữ Quốc ngữ trong kỳ thi Tú tài. Rồi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, vua Bảo Đại thoái vị. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứu quốc kéo dài 9 năm, khi chiến thắng – 1954, đất nước lại chia đôi. Về giáo dục, chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ Bắc vĩ tuyến 17 trở ra bỏ hẳn danh từ Tú tài, thay bằng Tốt nghiệp cấp III; còn Nam vĩ tuyến 17 trở vào, chính thể Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục dùng từ Tú tài trong kỳ thi cuối cấp trung học phổ thông cho đến năm 1974 (3). Sau năm 1975 đến nay, tên gọi các kỳ thi và bằng cấp như đã đề cập.

Trao đổi đến đây, thầy nhìn tôi rồi phẩy tay: Hiện tượng thay đổi tên gọi kỳ thi và tên văn bằng cứ liên tục như vậy chứng tỏ Bộ GD&ĐT còn đang lúng túng trong việc xác định chất lượng sản phẩm đào tạo. Thiết nghĩ bộ cần thống nhất và ổn định tên gọi kỳ thi đánh giá cấp học sát hợp với thực chất mục tiêu đề ra để đạt được mục đích về giáo dục đào tạo – bởi sản phẩm của giáo dục là con người.

Tài liệu tham khảo: (1) (2) (3) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Tú tài 1 và 2.

Võ Nguyên