Tập huấn trực tuyến về “Quy trình canh tác lúa bền vững”

Kinh tế - Ngày đăng : 21:36, 22/07/2024

BTO-Ngày 22/7, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về “Quy trình canh tác lúa bền vững”. Tham dự tại các điểm cầu có hơn 100 người dân, hợp tác xã, trang trại sản xuất lúa tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và các tổ khuyến nông cộng đồng về sản xuất cây lúa. Giảng viên là GS -TS Nguyễn Bảo Vệ, Nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Tại lớp tập huấn, giảng viên đã chia sẻ đến các học viên quy trình canh tác lúa bền vững. Trong đó nhấn mạnh phương pháp canh tác lúa “1 phải 5 giảm”; phương pháp ướt khô xen kẽ; canh tác lúa giảm phát thải và hướng đến lấy tín chỉ các bon.

6c551b08720bd7558e1a.jpg
Lớp tập huấn tại điểm cầu Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Ngoài ra, tại lớp tập huấn còn thảo luận các nội dung liên quan và định hướng phát triển cây lúa bền vững. Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 huyện trồng lúa trọng điểm là Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và Tánh Linh, với diện tích hơn 120.000 ha lúa thương phẩm mỗi năm.

z5464373190198_8cea3fa3ad8e868fe36a8d1a5c5b75ae.jpg
Lúa thương phẩm tại Bình Thuận.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các tổ khuyến nông cộng đồng  về chuyển đổi số; vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; kỹ thuật chăm sóc các cây trồng, vật nuôi…Qua đó, nhằm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

86ee711d-0968-4052-8ec9-7fbdd23b09dd.jpeg
Sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa tại Bình Thuận.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, thông qua lớp tập huấn, đơn vị sẽ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ cho các hợp tác xã, hộ dân trồng lúa. Phương châm là lấy tổ khuyến nông cộng đồng làm hạt nhân để đào tạo, truyền tải đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Mục đích chuyển dần từ phương thức tập huấn trực tiếp truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tạo cơ hội cho nhiều hộ dân tiếp cận, tham gia mọi lúc, mọi nơi, giảm chi phí...

K. Hằng