Nên khởi kiện khi bị xúc phạm trên mạng xã hội
Pháp luật - Ngày đăng : 05:13, 25/07/2024
Theo báo cáo thống kê thường niên của WeAreSocial (hay We Are Social) - công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu có trụ sở đặt tại New York (Mỹ) chuyên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội, thế giới hiện có 5,04 tỷ người dùng mạng xã hội, tức 62,3% dân số trên thế giới đang dùng một hoặc nhiều mạng xã hội. Mức dân số Việt Nam theo ghi nhận hiện là hơn 99 triệu dân, được thống kê 73,3% dân số đang dùng mạng xã hội. Trong đó, thời gian trung bình người dùng tại Việt Nam lướt mạng xã hội mỗi ngày là 2 giờ 25 phút, thuộc Top 20 trên thế giới.
Thực tế, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” vì có nhiều thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội, nhưng cũng có vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc, định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Điều này cũng đã biết khi chỉ cần dạo một vòng trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… thấy không ít dòng trạng thái có nội dung nói xấu, thóa mạ hay vu cáo nhau. Điển hình một trường hợp, bà N.T.A ở Phan Thiết, vì mâu thuẫn tiền bạc với ông Đ.V.C cùng địa phương, trong 2 năm liền, bà A đã lập hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh ông C và gia đình, với những dòng trạng thái công kích, xúc phạm, bôi nhọ hình ảnh ông cùng gia đình. Sự việc khiến gia đình ông C đổ vỡ…
Ngoài ra còn nhiều vụ khác chỉ sau một đêm ngủ dậy không ít người bỗng thấy mình thành “trai bao”, “con nợ” với cả số điện thoại cá nhân đính kèm; có người tự dưng thành tội phạm, kẻ đồi bại, ngoại tình, tham nhũng… mà thủ phạm bêu xấu có thể là người quen biết, hoặc một cái tên “lạ hoắc”…
Hiện nay pháp luật đã có đầy đủ biện pháp chế tài để xử lý những hành vi vi phạm này. Trong đó khi người dân phát hiện mình bị ai đó bêu xấu trên mạng xã hội thì tố giác đến công an nhờ hướng dẫn đến văn phòng thừa phát lại. Bà Võ Thị Bích Trâm - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Bình Thuận cho biết, để bảo vệ quyền lợi khi bị xúc phạm trên mạng xã hội, người bị hại nên thu thập bằng chứng thông qua yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status hoặc bình luận có nội dung được cho là xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình, tố cáo với công an hoặc kiện ra tòa. “Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết. Sau đó tố cáo với công an hoặc kiện ra tòa”, bà Trâm nêu thêm.
Theo đó, người tham gia mạng xã hội cần phải hiểu rằng những bài viết xúc phạm người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013; phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự. Cụ thể ở các tội: làm nhục người khác với mức hình phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt tù đến 5 năm tù; tội vu khống với các mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm.
Vi bằng là gì ?
Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản do các văn phòng thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm… Sau đó, thừa phát lại phải gửi vi bằng qua Sở Tư pháp để vào sổ đăng ký. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng.