Phỏng vấn đầu năm: Để giảm lượng người “ra đi rồi không trở về”!
Pháp luật - Ngày đăng : 09:20, 19/02/2016
Thưa, ông có thể nói đôi điều về những nỗ lực đảm bảo TTATGT trong các năm vừa qua?
Ông Phạm Văn Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh. |
Ông Phạm Văn Nam: Có thể nói, trong các năm qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT, gồm tăng cường tuyên truyền pháp luật kết hợp với đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, đáng chú ý là đã cải tạo, nâng cấp các quốc lộ qua tỉnh, bảo đảm cho an toàn giao thông. Tình hình TTATGT trong tỉnh vì thế dần đi vào ổn định, tai nạn giảm dần theo từng năm. Số người chết giảm trên 10% trong 2 năm liên tiếp 2014, 2015.
Tuy nhiên, số người chết do TNGT trong toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao (trên 200 người/năm). Tình hình vi phạm nhiều nhất là người lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, băng qua đường sắt không chú ý quan sát… Bên cạnh đó, lỗi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt còn nhiều. Hạ tầng giao thông tuy có cố gắng đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều tuyến còn nhỏ hẹp, hư hỏng cục bộ. Điểm đen về TNGT vẫn còn, chưa xử lý hết…
Từ những kết quả và hạn chế, ông trăn trở nhất điều gì?
Ông Phạm Văn Nam: Như đã nói, số người chết và bị thương do TNGT trong tỉnh vẫn còn ở mức cao. Trung bình mỗi tháng có 18 người “ra đi không trở về”. Trên 51 người trở về không lành lặn. Đây là nỗi đau không riêng gì của mỗi gia đình người bị nạn mà cũng là trách nhiệm, nỗi trăn trở của các cấp, các ngành trong việc đề ra các giải pháp, hành động để kiềm chế giảm số người chết và bị thương vì TNGT.
Ban An toàn giao thông tỉnh cũng như là Sở Giao thông - Vận tải thời gian tới sẽ có những giải pháp gì?
Ông Phạm Văn Nam: Năm An toàn giao thông 2016 thực hiện chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 10% trở lên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2015. Vì thế, Ban An toàn giao thông sẽ tập trung chỉ đạo và tổ chức các nhóm giải pháp, trong đó có tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với công tác đảm bảo TTATGT. Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh hoạt động cưỡng chế, xử lý vi phạm về TTATGT nhất trên các quốc lộ, tỉnh lộ.. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện giao thông; quản lý hoạt động vận tải. Tổ chức đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy, tăng cường quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý “điểm đen”, tập trung khắc phục các hạn chế, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị…
Xin cảm ơn ông!
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa. |
Phúc Sinh (thực hiện)