Tiếng chim thanh bình
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:33, 26/07/2024
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần gần đến 27/7, cơ quan lại vận động mỗi nhân viên đóng góp một ngày công lao động tới nhổ cỏ, lau dọn nghĩa trang liệt sĩ. Dù phải đi làm ngày cuối tuần nhưng ai cũng vui vẻ tham gia nhiệt tình. Ai cũng ý thức được việc làm này là cần thiết và có ý nghĩa vì những anh hùng nằm đây đã hy sinh thân mình để cho Tổ quốc được thống nhất, cho đất nước hòa bình. “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống ấy từ bao đời nay cha ông gìn giữ, và sẽ mãi mãi gìn giữ qua bao thế hệ con cháu mai sau.
Nhưng hồi mới về cơ quan làm việc, tôi lại không có được tâm trạng thoải mái, vui vẻ như bây giờ. Hồi đó, tôi nghĩ, chao ôi ba cái việc hô to khẩu hiệu, lao động công ích này thì có ý nghĩa gì cơ chứ. Thế là tôi làm việc với tâm thế miễn cưỡng, làm cho có mặt. Vì sắp tới ngày lễ lớn nên có nhiều cơ quan, đơn vị, cả người dân nữa tham gia dọn dẹp nghĩa trang. Tôi nhớ mãi hình ảnh một người mẹ già, khuôn mặt đã hằn sâu dấu thời gian, mắt mờ đục phải có con cháu dắt tay dìu đi. Bà nói rất to (có lẽ do tật lãng tai):
- Thằng Hai nằm ở lối nào ha, má quên mất tiêu rồi. Cái nào cũng giống cái nào sao biết đường giờ bây?
Con cháu theo bà mặt ai cũng sa buồn, có người còn rơm rớm nước mắt. Người đàn ông đứng tuổi và một cậu trai trẻ hơn dìu bà đi. Có vẻ họ là hai cha con. Tôi đoán đây là một gia đình đi viếng người thân. Quả đúng vậy. Họ đến bên một ngôi mộ rồi dừng lại.
- Tới rồi hả?
- Dạ tới mộ bác Hai rồi nội.
Người mẹ khó nhọc ngồi xuống, gỡ cái khăn trùm đầu ra lau mộ cho con. Bà vừa lau vừa nói chuyện, như thể người con trai nghe được vậy.
- Má xin lỗi, xa quá không tới thăm con thường xuyên được. Con ráng đợi ít bữa, má kêu tụi nhỏ đưa con về gần nhà, rồi ngày nào má cũng tắm cho con nghen. Trời ơi, hồi đó con thích tắm mưa ghê lắm, cứ mỗi bận mưa là cởi truồng tồng ngồng chạy khắp sân nghịch mưa. Má bực mình tét, đít con nổi lươn đỏ chót, lúc đó má ân hận lắm lỡ làm con đau…
Người mẹ ôm lấy đứa con trai nước mắt tuôn trào.
- Má xin lỗi, má xin lỗi, má không đánh con nữa, con trở về với má đi con ơi.
Tự dưng có một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến lòng tôi dâng trào cảm xúc. Nước mắt tuôn lả chả. Những người xung quanh tôi ai cũng sụt sịt. Không ai cầm được nước mắt. Ngày trước tôi hay nghe câu “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” hiểu thì có hiểu mà chưa thấu được nỗi đau ấy, nay nhìn cảnh tượng trước mắt tưởng như sờ được nỗi đau của người mẹ. Quả thật nỗi đau người ở lại là quá lớn. Dẫu Nhà nước có nhiều chính sách cho người có công, dẫu chính quyền địa phương luôn quan tâm động viên các gia đình thương binh liệt sĩ nhưng vẫn chẳng thể nào bù đắp hết được. Vậy mà khi trò chuyện, người mẹ mắt đã mờ ấy vẫn nén nỗi đau lại bảo chúng tôi: “Thằng con má với mấy anh em ở đây hy sinh không uổng phí, giờ đất nước mình hòa bình rồi, không có cảnh chạy giặc, chạy bom như hồi xưa. Giờ có cơm cá cơm thịt ăn, không phải ăn khoai độn, củ chuối như hồi đó. Vậy là được rồi. Vậy là má mừng rồi. Chỉ là lâu lâu nhớ nó, thương nó thì nhắc vậy thôi”. Bà lại hối con cháu giặt khăn sạch để bà lau cho di ảnh con. Mắt mờ, tay run mà người mẹ ấy vẫn lần mò “tắm” cho con…
Sau lần ấy, tôi không còn khó chịu khi phải đóng góp ngày công lao động dọn dẹp nghĩa trang nữa. Trái lại, mỗi khi tới tháng 7, chúng tôi lại tự giác quyên góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa để mua hoa, trái cây thắp nhang cho các anh – những người đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để giữ bầu trời xanh ngập nắng, rộn tiếng chim thanh bình ngày hôm nay.