Xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép”
Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 29/07/2024
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công để mở rộng, thu hút các nguồn lực, tiềm năng đầu tư trong xã hội và nâng cao chất lượng, số lượng của các loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa, về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công đã được ban hành tương đối đầy đủ. Các địa phương cũng đã quan tâm đến việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, một số địa phương còn có chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Rõ nhất là từ sau năm 2000 đến nay, công tác xã hội hóa trong khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật so với các tỉnh trong khu vực. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực y tế tư nhân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 bệnh viện đa khoa tư nhân có quy mô khá lớn, hoạt động theo hình thức doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đó là Bệnh viện đa khoa An Phước được thành lập vào tháng 12/2001 và Bệnh viện đa khoa Tâm Phúc được thành lập tháng 1/2007. Quá trình hoạt động, 2 bệnh viện trên đã được nhà đầu tư quan tâm mở rộng cơ sở, mua sắm trang thiết bị hiện đại và đầu tư thu hút đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn giỏi, có trách nhiệm. Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ y tế tư nhân, hàng năm các cơ sở y tế tư nhân đã khám, điều trị cho hàng triệu lượt bệnh nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, giảm bớt sự quá tải cho các cơ sở y tế công lập. Còn trên địa bàn thành phố Phan Thiết, cũng được các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư đến thời điểm này khoảng 23 sân bóng chuyền, 4 sân quần vợt, 9 bể bơi, 8 cơ sở bóng bàn, 20 phòng tập võ thuật, 23 sân cầu lông, 30 sân bóng mini cỏ nhân tạo... Bên cạnh đó còn có nhiều dự án về du lịch, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác trên địa bàn Phan Thiết. Sự góp sức, đồng hành từ các tổ chức, doanh nghiệp để gắn kết với địa phương nhằm xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn thành phố.
Phải khẳng định rằng, xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Theo đó, nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để khu vực tư nhân có cơ hội đầu tư và cạnh tranh phát triển. Nhiều nhà cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh nên dịch vụ cung cấp được rẻ hơn, tốt hơn, mặt khác, bộ máy nhà nước cũng gọn nhẹ và tiết kiệm hơn. Xã hội hóa dịch vụ công là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công, vì từ thực tế có nhiều tổ chức công hoạt động kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực ngân sách. Để tiếp tục thu hút, mở rộng các nguồn lực đầu tư trong xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công phát triển với số lượng và chất lượng cao hơn đòi hỏi các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng... trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, thuế, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tiếp tục rà soát các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa và các lĩnh vực xã hội hóa để kịp thời trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Bên cạnh đó rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các cơ sở ngoài công lập, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngoài công lập được thành lập và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm không phát sinh hoặc làm phức tạp thêm thủ tục hành chính đang áp dụng. Bên cạnh đó lựa chọn mức độ và thời điểm điều chỉnh đảm bảo hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả và lạm phát, nhằm nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa cơ sở công lập và ngoài công lập, gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo hình thức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn. Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần, đồng thời xử lý các vướng mắc và cập nhật, bổ sung các chính sách chế độ cho phù hợp với thực tiễn…