Trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chính trị - Ngày đăng : 05:05, 01/08/2024
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng trong những năm gần đây sẽ mãi được hậu thế nhắc tới và nể phục, đó là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bước tiến trong cuộc chiến PCTN ở nước ta chính là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban vào tháng 2/2013. Điều này là chưa có tiền lệ, bởi trước đó công tác PCTN thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu. Một trong những điểm đột phá trong công cuộc PCTN thời gian gần đây là sự thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh, khẳng định sự đồng lòng, quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, TC ở địa phương, cơ sở. Kết quả là, số vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây.
Công tác PCTN, TC của tỉnh Bình Thuận cũng được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật về công tác PCTN, TC. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, TC theo đúng chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó còn phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCTN, TC, khuyến khích, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Công tác PCTN, TC cũng được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, TC gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 17/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Bình Thuận gồm 15 thành viên, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là trưởng ban chỉ đạo. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đề ra và đạt một số kết quả bước đầu trong công tác PCTN, TC. Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau 2 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác PCTN, TC ở địa phương, nhất là trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Điều đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTN, TC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đồng bộ các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật về PCTN, TC. Chú trọng công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ các nội dung công tác PCTN, TC. Đồng thời kiểm tra, rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý về PCTN, TC. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC. Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Triển khai đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý những người có dấu hiệu, hành vi tham nhũng. Chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt việc khen thưởng và bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng theo quy định của Luật PCTN và nghị định của Chính phủ.