Làm gì để giáo dục trẻ vị thành niên không vi phạm pháp luật?

Pháp luật - Ngày đăng : 05:09, 01/08/2024

Các bị cáo tỏ ra ăn năn hối lỗi nhưng cũng cần gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội giám sát, giáo dục, nếu không sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.
img_9835.jpg
Một trợ giúp viên pháp lý đang bào chữa cho bị cáo.

Giảm hình phạt

20 bị cáo với khuôn mặt non nớt ngồi trên 2 hàng ghế đầu trước mặt Hội đồng xét xử tại một phiên tòa vừa diễn ra ở Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong. Trong số đó chỉ có 3 bị cáo sinh từ năm 2004 – 2006, còn lại là 2007 và phần lớn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tất cả đã phạm tội “cố ý gây thương tích”, xuất phát từ mâu thuẫn giữa các băng nhóm của các bị cáo với nhau.

Cụ thể, ban đầu nhóm xã Chí Công thấy nhóm Ban Công (Phan Rí Cửa) chở nhau đi trên đường tại khu vực xã Hòa Minh thì rượt đuổi. Nhóm Ban Công sợ rú ga bỏ chạy, trong đó có Lưu Văn V, người gọi điện cho Nguyễn Văn Q thuộc nhóm Thiên Hương nhờ trợ giúp.

img_9833.jpg
Nhiều người tham gia phiên tòa.

Nhóm Thiên Hương có 9 người gồm có Nguyễn Ca C (SN 2004), lớn tuổi nhất trong số các bị cáo, đồng ý với lời đề nghị của nhóm Ban Công. Sau đó, cả 2 nhóm hẹn nhau tập trung tại khu vực chùa Thanh Vân thuộc thị trấn Phan Rí Cửa để cùng tìm nhóm Chí Công đánh với hung khí mang theo là dao, gạch, đá… Khi nhóm này đến khu vực chợ Chí Công thấy Phạm Thanh Kh, Nguyễn Ngọc S, Lê Văn T đang đi trên đường thì tưởng là người của nhóm Chí Công nên rượt đuổi đánh. Với hành động đánh cho bỏ tức của 2 nhóm đã làm cho Phạm Thanh Kh thương tích trên người 35%.

Tại phiên xét xử các bị cáo tỏ ra ăn năn hối lỗi, thành khẩn khai báo, gia đình các bị cáo đã thăm hỏi, bồi thường cho gia đình bị hại 110 triệu đồng. Đồng thời, gia đình bị hại có đơn yêu cầu miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Đặc biệt, có sự tham gia bào chữa của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (trung tâm) cho các bị cáo vì phần lớn bị cáo còn đang đi học thuộc diện được hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí.

Cần giáo dục từ nhiều phía

Phiên tòa có đủ thành phần tham dự, họ nhìn các bị cáo bằng ánh mắt vừa thương vừa giận. Với người thân, cha mẹ thì lo nhiều vì con dại cái mang, còn Hội đồng xét xử, công tố viên, trợ giúp viên pháp lý, luật sư, đại diện nhà trường... mong cho các bị cáo xem đây là bài học. Đồng thời mong cha mẹ, nhà trường quan tâm hơn tới con em ngay từ khi còn nhỏ dại.

Ông Nguyễn Trường Duy – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết, bản thân ông đã tham gia bào chữa cho gần 200 vụ việc liên quan đến trẻ em, người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, có những em có tính chất côn đồ, gây án nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội. Đây là trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, vì các em đều dưới 18 tuổi, chưa ý thức được hành vi của mình gây ra. Sau đó đến nhà trường, mới đến các tổ chức xã hội khác. Nếu không quan tâm dạy dỗ con mình sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bởi trong các vụ án mà chúng tôi tham gia bào chữa, có những em vừa chấp hành án xong lại tiếp tục phạm tội trong các vụ án khác.

Theo đó, để trẻ vị thành niên không vướng vào vòng lao lý là nhiệm vụ chung của các cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể, nhà trường, gia đình, cũng như là trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt, “nền tảng gia đình” vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, sau đó là nhà trường cùng với việc giáo dục kiến thức, cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống. Phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm, từ đó xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa cũng như hình thành các kỹ năng cần thiết để biết cách phòng, chống tội phạm. Chỉ khi các em hiểu biết pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi phạm tội, thì mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của bản thân, bớt đi mầm mống phạm tội – gánh nặng cho xã hội.

Ninh Chinh