Khen con: Nên hay không nên?

Đời sống - Ngày đăng : 05:13, 02/08/2024

Làm thế nào để con có thể tự giác ý thức được tương lai của bản thân mà cố gắng học hành, rèn luyện kỹ năng là việc người làm cha mẹ nào cũng mong muốn. Một cách đơn giản nhất mà không phải ai cũng biết đó là hình thành cho con lòng tự tin vào chính bản thân mình, có như thế con mới nỗ lực, bứt phá vươn lên trong cuộc sống. Khen con chính là một cách để giúp con hình thành sự tự tin của bản thân.

Vì sao lời khen lại quan trọng?

Nhiều người quan niệm rằng khen con nhiều sẽ làm con hư. Nhất là các bậc cha mẹ “kiểu cũ”. Vì vậy họ thường hay khen con nhà người ta trước mặt con, rồi so sánh đủ kiểu. Họ cho rằng làm cách này con sẽ nhận ra mình chưa bằng người ta và phải cố gắng phấn đấu vươn lên cho bằng bạn bè. Thực chất kết quả của việc làm này lại ngược lại kỳ vọng của cha mẹ. So sánh con với đứa trẻ khác sẽ làm con tổn thương, tự bất mãn, tự ti với bản thân mình mà thôi. Con sẽ luôn luôn nghĩ rằng mình dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể bằng người khác được, hay nản chí, an phận, không còn động lực để cố gắng nữa.

khen-con.jpg
Ảnh minh họa.

Thật ra, lời khen rất quan trọng. Nó vừa là sự thừa nhận ngầm kết quả mà con đạt được, vừa là sự khích lệ để con nỗ lực hơn nữa. Một đứa trẻ được cha mẹ khen thường xuyên sẽ vô cùng tự tin vào bản thân, thể hiện bản thân trước tập thể rất tốt. Chỉ khi có lòng tự tin, con người mới có thể bứt phá vượt qua giới hạn bản thân để đạt được thành công. Tuy nhiên, khen con tưởng đơn giản nhưng thực ra lại là một nghệ thuật, cần khéo léo và tập luyện cho thành thục.

Vậy thì khen con sao cho đúng?

Khen không phải là lúc nào cũng “giỏi quá”, “xuất sắc quá”, “thông minh quá”… Nếu cha mẹ luôn luôn dùng những ngôn từ đơn giản thế này để thể hiện lời khen sẽ vô tình làm cho trẻ nhàm chán. Trẻ sẽ nghĩ rằng lời khen của cha mẹ không thật lòng. Hoặc trẻ sẽ suy nghĩ rằng chỉ cần thông minh là thành công không nhận thức được vai trò của sự nỗ lực, kiên trì khi làm việc. Có những trẻ được khen nhiều quá lại hình thành tư tưởng cho rằng mình là người giỏi nhất nên khó có thể chấp nhận thất bại và mỗi khi gặp sai lầm lại sợ hãi cố gắng che giấu đi vì sợ bị chỉ trích.

Để khen con đúng cách, cha mẹ cần “đầu tư” suy nghĩ lựa chọn ra cách khen sao để vừa thừa nhận được giá trị vừa khích lệ tinh thần con. Ví dụ như khi con đi học về khoe hôm nay được điểm tốt, chúng ta không nên khen vội rằng “con giỏi quá” mà hãy hỏi con rằng làm cách nào để con đạt được điểm mười, và khen quá trình nỗ lực học tập của con. Khen như vậy giúp con hiểu ra rằng nếu kiên trì học tập, làm việc thì sẽ đạt được kết quả tốt. Từ đó, con sẽ tự ý thức cố gắng học tập hơn. Lựa chọn thời gian thích hợp để khen con cũng rất quan trọng. Có những đứa trẻ khi làm được việc tốt chúng không bao giờ khoe mà sẽ âm thầm chờ đợi cha mẹ tự phát hiện ra, tự khen. Chúng kiên nhẫn chờ đợi lời khen từ cha mẹ. Dĩ nhiên cha mẹ chỉ cần quan sát tinh ý một chút là phát hiện ra ngay việc tốt của con, nhưng chúng ta đừng khen vội mà lựa chọn thời gian thích hợp để khen. Có thể là bữa cơm lúc cả gia đình quây quần bên nhau, đầy đủ các thành viên. Lúc này nếu chúng ta khen con sẽ rất hạnh phúc vì nghĩ mình đã làm được việc tốt, được cả gia đình công nhận.

Bên cạnh đó, thường xuyên khen con sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Con sẽ luôn tin tưởng vào cha mẹ, tâm sự nhiều hơn với cha mẹ để tìm kiếm lời tư vấn, động viên. Điều này là vô cùng quan trọng. Bởi vì cha mẹ vừa là người đi trước, vừa là người yêu thương con vô điều kiện nên sẽ đưa ra những lời khuyên có lợi cho con. Ngược lại, nếu con không tin tưởng vào cha mẹ, khi gặp vấn đề thường đi tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè thì rủi ro không lường trước được.

Tóm lại, khen không phải “xấu” như chúng ta nghĩ. Khen là cách cha mẹ đặt niềm tin vào con, thừa nhận giá trị của con, cũng là cách để cha mẹ và con cái xích lại gần nhau, gắn kết sợi dây tình thân. Con sẽ yêu thương cha mẹ, nghe lời cha mẹ hơn chỉ khi chúng nhận thấy bản thân mình được tôn trọng, thừa nhận giá trị. Làm cha mẹ đừng cứ khăng khăng giữ suy nghĩ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mà tiết kiệm ngay cả đến lời khen.

Phan Vy