Hội thảo phổ biến lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình(BIM) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Kinh tế - Ngày đăng : 14:16, 02/08/2024
Tại hội thảo, đại biểu nghe những nội dung: Tổng quan về Mô hình thông tin công trình (BIM); cơ chế, chính sách áp dụng BIM tại Việt Nam; ứng dụng BIM trong hỗ trợ công tác thẩm định hỗ trợ công tác thẩm định; ứng dụng CDE trong công tác quản lý dự án áp dụng BIM; số hóa quy hoạch cảng biển trên nền tảng GIS; ứng dụng BIM cho khảo sát, thiết kế công trình hạ tầng kỹ thuật…
Theo định nghĩa, BIM được hiểu là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các thông tin của công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình”. Việc áp dụng mô hình BIM vào nền tảng GIS (hệ thống thông tin địa lý) sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có thể quản lý quy hoạch, quản lý các thông tin công trình, địa lý hiệu quả hơn. Thông qua đó, sẽ tận dụng được các dữ liệu này để phân tích, tối ưu và ra các quyết định về quản lý quy hoạch, vận hành, đầu tư đô thị hiệu quả hơn.
Theo Quyết định số 258/QĐ-TTg, lộ trình áp dụng mô hình BIM gồm 2 giai đoạn: Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.