“Khóc ròng” vì vi phạm... nồng độ cồn
Pháp luật - Ngày đăng : 05:11, 07/08/2024
Trong căn nhà cấp 4 không có gì đáng giá ngoài đồ gia dụng bình thường, ông N buồn rầu chia sẻ, ông là nhân viên lái xe cho một công ty vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh. Vào một đêm đầu tháng 5/2024, sau khi nhậu với bạn bè, ông điều khiển xe máy về nhà. Trên đường đi, ông bị Tổ kiểm tra của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh lập biên bản vi phạm hành chính vì nồng độ cồn trong hơi thở vượt qua mức 0,4/1 lít khí thở.
Phòng Cảnh sát giao thông thông báo, với mức này ông đã vi phạm vào điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, cùng với các quy định của các văn bản có liên quan khác, ông không chỉ bị phạt hành chính 7 triệu đồng mà còn bị phạt bổ sung, tước quyền sử dụng GPLX hạng A1 trong 23 tháng.
Ngậm ngùi đóng phạt và chấp nhận không có phương tiện đi lại trong hơn 2 năm. Ông N tưởng vậy đã xong, nào ngờ GPLX hạng C, “cần câu cơm” của cả gia đình mình hết hạn sử dụng. Cơ quan ông không chấp nhận cho ông lái xe ngoại trừ GPLX này được ngành chức năng cấp đổi lại. Ông N nói tiếp: tôi đã làm đơn gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông trình bày hoàn cảnh trớ trêu của mình, với niềm hy vọng được đổi lại GPLX hạng C. Vì nghĩ, mình chỉ vi phạm GPLX hạng A1, không liên quan gì đến GPLX hạng C.
Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của ông. Sau khi nhận được hướng dẫn của Phòng Cảnh sát giao thông, ông tiếp tục làm đơn gửi đến Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận - nơi sát hạch, cấp bằng, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ cho người điều khiển phương tiện giao thông và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải theo phân cấp.
Cùng với văn bản của Phòng Cảnh sát giao thông xác nhận đang giữ GPLX hạng A1 của ông N. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra GPLX hạng C của ông N, nhận thấy nó đã tích hợp cùng với GPLX hạng A1 trên phần mềm VNEID. Trong đó hiển thị GPLX hạng C đã hết hạn sử dụng vào ngày 3/7/2024.
Qua nghiên cứu trường hợp của ông, Sở Giao thông Vận tải có văn bản trả lời ông rằng, không thể cấp đổi lại GPLX hạng C cho ông lúc này, vì GPLX hạng A1 của ông đang bị công an tước quyền sử dụng do vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, để ông hiểu hơn, Sở dẫn chứng quy định nêu rõ tại khoản 5 Điều 81 của Nghị định 100: “Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.
Ngoài ra cũng do ông, năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có Thông tư số 12 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó tại khoản 3 Điều 33 nêu: “Người đã có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách GPLX theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này”. Ông không đi làm thủ tục tách, nên nay xảy ra cơ sự “khóc dở, mếu dở” này. Sở Giao thông Vận tải đề nghị ông thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Khi nào hết thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX hạng A1, ông nên đi làm thủ tục cấp đổi lại GPLX hạng C.
Trường hợp của ông N không phải là hiếm trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cùng với đó là nhiều văn bản pháp luật khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và ban hành, đưa vào cuộc sống nhằm củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội...
Theo đó, rất cần người dân, nhất là người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm luật giao thông, nếu không lại như ông N ảnh hưởng cuộc sống bản thân và gia đình. Vì trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm có liên quan đến vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe.