Đức Linh: Thực hiện hiệu quả mô hình “Cánh đồng không rác thải”
Xã hội - Ngày đăng : 05:08, 08/08/2024
“Cánh đồng không rác thải”
Chúng tôi đến thăm mô hình “Cánh đồng không rác thải” của xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Dọc tuyến đường bê tông, xanh mướt cánh đồng lúa “sạch bóng” bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như trước. Giờ đây, người dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật liền bỏ vỏ chai, bao bì vào các bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp được đặt ngay tại ven đường chờ được thu gom, vận chuyển và xử lý.
Những năm trước đây, bà con nông dân ở xã Nam Chính có thói quen bỏ những vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong ra ruộng, xuống kênh mương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động đến từng người dân, nhưng tình trạng “tiện đâu xả đấy” của bà con vẫn diễn ra khá phổ biến. Đa số người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều chưa ý thức được sự nguy hại của rác thải đồng ruộng gây ra đối với môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trước thực trạng trên, Hội Nông dân xã đã triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng không rác thải”. Ông Nguyễn Tấn Bảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Chính cho biết: Thời gian qua, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 10 bể thu gom rác thải cùng với Hội Nông dân xã vận động thêm được 4 bể thu gom rác thải đã vận động hội viên, nông dân thu gom rác thải bỏ vào trong bể, không để rác thải trong sản xuất nông nghiệp trên các kênh mương, ruộng đồng để thuận lợi cho việc tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân xã Nam Chính sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình “Cánh đồng không rác thải” để bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Đang chăm sóc đồng ruộng của gia đình, bà Trần Thị Sáu ở thôn 5, xã Nam Chính chia sẻ: “Hiện nay nhờ có các bể chứa rác thải nên rất thuận tiện cho nông dân, nhất là trong mỗi đợt phun thuốc trừ sâu hay bón phân chăm sóc cây trồng không còn tình trạng vứt rác thải, các loại thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên cánh đồng, bờ mương gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, đảm bảo sức khỏe cho người dân nên chúng tôi rất phấn khởi và thực hiện nghiêm túc việc bỏ rác thải trong sản xuất nông nghiệp vào trong bể thu gom”.
Nhân rộng mô hình
Mô hình “Cánh đồng không rác thải” là một mô hình có hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường được Hội Nông dân huyện Đức Linh tích cực triển khai. Từ đầu năm đến nay toàn huyện có 85 bể thu gom rác thải, trong đó Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 40 bể, hội nông dân các xã vận động xã hội hóa 45 bể. Ông Lê Ngọc Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh cho biết: Những năm qua, Hội Nông dân huyện xác định thực hiện tiêu chí môi trường là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc thực hiện mô hình “Cánh đồng không rác thải” đã được Huyện hội xây dựng kế hoạch xuyên suốt cả nhiệm kỳ từ năm 2024 - 2028 với mục tiêu xây dựng 200 bể chứa rác thải trong sản xuất nông nghiệp.
Để mô hình “Cánh đồng không rác thải” trở thành một việc làm thường xuyên, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ của mô hình. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tổ chức các hoạt động giữ vệ sinh môi trường và phát triển kinh tế để hội viên, nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm. Mô hình điểm “Cánh đồng không rác thải” đang thực hiện và được nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực, đã từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi hội viên, nông dân về nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường trên đồng ruộng, xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp và bền vững.