Nhà thơ Phan Minh Đạo ân nhân của đời tôi
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:19, 09/08/2024
Với tôi, ông là một ân nhân - là người thầy, người cha, và sau khi rời vị trí công tác, tôi lại may mắn trở thành người bạn vong niên của ông.
Người thầy, vì ông là một trong hai người giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2002); người giới thiệu thứ hai là nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đó, vào năm 1978, ông cũng là người trao giải nhất thơ và giải ba về ca khúc cho tôi trong cuộc thi sáng tác VHNT tỉnh Thuận Hải lần thứ I (1977-1978). Lúc này ông vừa đứng vào đội ngũ Hội Nhà văn Việt Nam khoảng một năm. Thật ra, trước đó ông đã là hội viên Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam và các bài thơ “Đường tháng Tám”, “Nhà ga quê hương” cùng truyện ký đặc sắc “Tấm ảnh và ống muối Cụ Hồ” của ông đã được độc giả miền Bắc biết đến với rất nhiều thiện cảm. Tháng 6/1982, khi tôi được in chùm thơ đầu tiên trên Tuần báo Văn Nghệ Trung ương, ông mời tôi về nhà và chiêu đãi món mì Quảng miền Trung do chính bà nhà tự nấu, để động viên, khích lệ tinh thần cây bút trẻ.
Người cha, vì ông đã đứng ra “bảo lãnh” với PA 25 (nay là PA 83) Công an tỉnh để tôi được về công tác trong ngành VHTT Thuận Hải từ năm 1979. Sở dĩ, phải có sự “bảo lãnh” này, là vì lý lịch tôi không được tốt mà ngành ông đang phụ trách lại thuộc về lĩnh vực văn hóa tư tưởng, đòi hỏi cán bộ phải là thành phần xuất thân trong sạch, có đủ độ tin cậy. Xin được mở ngoặc nói thêm, giữa tôi và ông không có họ hàng, bà con thân thích. Và tôi (kể cả gia đình tôi nữa), không có gì quý giá về mặt vật chất để có thể “hậu tạ” cho ông về nghĩa cử đặc biệt cao đẹp này. Sau này, một người bạn cùng công tác trong ngành cho biết thêm, ông đã từng bảo lãnh một cán bộ chưa đủ tuổi lao động vào biên chế, vì xét thấy cán bộ ấy làm việc chu đáo và có tinh thần trách nhiệm. Sau khi tôi về Phòng Văn hóa Văn nghệ (Ty VHTT Thuận Hải) một thời gian, nghe đâu Huyện đoàn Hàm Thuận và Tỉnh đoàn Thuận Hải cũng có về xã Hàm Nhơn - nơi tôi ở (nay là thị trấn Phú Long) để tìm hiểu và liên hệ rút tôi về đơn vị công tác. Tất nhiên là trước đó, hai cơ quan nói trên chưa biết, tôi đã được Ty VHTT tiếp nhận từ Trường Lý luận nghiệp vụ VHTT của tỉnh sau nhiều khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành từ năm 1977-1979.
Người bạn vong niên, vì có lẽ tôi là một trong số không nhiều lắm - những hậu bối vinh dự được ông chia sẻ những vui, buồn riêng tư trong suốt quá trình công tác trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Ông thường kể tôi nghe về Trại sáng tác Văn học do Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam tổ chức trong một cụm rừng có cái tên rất bay bổng là Lãng Bạc, mà ông được mời tham dự. Tại đây, ông được tiếp xúc với nhà cách mạng - nhà văn Trần Bạch Đằng nổi tiếng - người mà ông hằng ngưỡng mộ trước đó. Theo Hồi ký “Ở R - chuyện kể sau 50 năm” của cố nhà văn Lê Văn Thảo (xuất bản năm 2016) thì đây là cuộc tập hợp lực lượng viết văn khá đông đảo của đồng bằng Nam bộ, miền Đông, khu VI; và là trại viết dài ngày nhất lúc bấy giờ. Khi tôi tham gia Trưởng ban Thư ký Hội đồng biên soạn công trình Địa chí Bình Thuận (1697-2000) hơn 10 năm, rồi cùng ông nghiên cứu đề tài Bản sắc văn hóa truyền thống qua các địa danh trên địa bàn Phan Thiết (gọi tắt là Địa danh Phan Thiết ) gần 3 năm; giữa hai chú cháu lại có thêm nhiều thời gian và cơ hội để đồng cảm với nhau trong hoạt động nghiên cứu, sáng tác cũng như san sẻ cùng nhau cả những điều không như ý trong cuộc sống đời thường.
Khi hoàn thành nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông sang làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ II (1993-1998). Tại đây, ông huy động các thành viên Ban Chấp hành (thuộc phân hội Văn học) trong đó có tôi cùng tham gia trong Ban Biên tập Tạp chí. Bởi ông quan niệm, tạp chí là tiếng nói của Hội mà các Ủy viên BCH được Đại hội toàn thể tín nhiệm bầu ra, nên đương nhiên phải có trách nhiệm với tờ tạp chí. Ngay cả khi tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (1995) ở Hà Nội, bản tham luận ông viết với tư cách cá nhân cũng được ông thông qua tập thể BCH Hội tham gia góp ý kiến bổ sung, hoàn chỉnh. Và ông đã tiếp thu với tinh thần thật sự cầu thị, trân trọng, chứ không phải chỉ là hình thức, qua loa, chiếu lệ.
Mang ơn ông rất nhiều nhưng suốt 38 năm công tác trong ngành VHTT (rồi VHTT&Thể thao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tôi chỉ làm được cho ông vài việc nhỏ trong khả năng hạn hẹp của mình. Tập thơ “Tiếng tơ lòng” (cũng là tập thơ cuối cùng) của ông, ông giao tôi biên tập; công trình Địa chí Bình Thuận, ông giao tôi viết phần “Văn học viết” và phần Phụ lục II (Bình Thuận - những sự kiện ghi nhớ); khi cùng làm đề tài Địa danh Phan Thiết, ông phân công tôi viết Báo cáo khoa học và biên tập nội dung hơn 200 địa danh do ông trực tiếp biên soạn. Khi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt vấn đề tôi sang làm lãnh đạo Hội VHNT tỉnh (nhiệm kỳ III và nhiệm kỳ IV), tôi hỏi ý kiến và ông khuyên: “Cháu nên ở lại bên văn hóa để đóng góp được nhiều hơn với khả năng và kinh nghiệm sẵn có của mình. Mặt khác, ở văn hóa cháu vẫn có thể tham gia BCH Hội VHNT…”. Và tôi đã ở lại trong ngành văn hóa cho đến khi nghỉ hưu (trước tuổi) vào cuối năm 2016. Riêng đối với Hội VHNT, tôi đã tham gia Ban Chấp hành liên tiếp 4 khóa (từ khóa I đến khóa IV) kéo dài 22 năm.
Khi ông mất, tôi được vinh dự viết điếu văn cho ông rồi chuyển ra Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) in trong số 30 (2428) ra ngày thứ bảy 29/7/2006. Bài viết chiếm gần trọn một trang báo ấy có tên “Một tâm hồn thơ chân chất và đôn hậu”. Mới đây, một người bạn quê Quảng Ngãi gửi tặng tôi công trình Địa chí huyện Bình Sơn dày hơn 900 trang, khổ lớn, xuất bản năm 2021, trong đó tên ông và quá trình hoạt động VHNT được nhắc đến ở mục “Tác giả văn học người Bình Sơn” giai đoạn 1975-2020. Nếu còn sống, chắc hẳn ông sẽ rất vui mừng vì quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn - vẫn không quên người con xa xứ - Phan Minh Đạo. Xin được nói thêm, ông sinh năm 1930 tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng Bình Thuận là quê hương thứ hai của ông. Nơi đây, ông gắn bó từ trong kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt, rồi hòa bình lập lại cho đến khi ông giã từ cõi tạm vào năm 2006.
Đôi khi, tôi tự hỏi, nếu ngày ấy, tôi không có may mắn gặp được ông thì có lẽ cuộc đời tôi sẽ rẽ sang một chiều hướng khác. Tôi có thể trở thành một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp (vì tôi học Trường Trung học Nông Lâm Súc Bình Thuận) hoặc một giáo viên (là nghề mà tôi yêu thích) hoặc chỉ là một công dân bình thường như bao nhiêu người khác. Rõ ràng, chính ông chứ không phải ai khác đã góp phần quan trọng làm thay đổi số phận cuộc đời tôi. Ông chính là ân nhân mà tôi suốt đời không sao trả hết món nợ ân tình.